Quay lại

Ngày đăng: 08/04/2020

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
•       Phố Wall giảm điểm sau phiên nhiều biến động. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 26,13 điểm (tương đương 0,1%) xuống 22.653,86 điểm. Chỉ số này có thời điểm tăng 937,25 điểm (tương đương 4,1%) tại mức đỉnh trong phiên. Chỉ số S&P 500 giảm 0,2% xuống 2.659,41 điểm sau khi vọt hơn 3%. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0,3% còn 7.887,26 điểm sau đà tăng 3%. S&P 500 đã tăng 18,9% so với đáy hôm 23/3 nhưng vẫn thấp hơn 21,5% so với đỉnh lịch sử hồi giữa tháng 2. Chỉ số CBOE VIX đo sự sợ hãi trên Phố Wall giảm dần từ đỉnh 12 năm gần đây nhưng biến động dự kiến có thể gia tăng do các công ty dự kiến báo cáo lợi nhuận quý I giảm, đồng thời vạch kế hoạch tăng dự trữ tiền mặt. Giới phân tích dự báo lợi nhuận quý I của các công ty trong S&P 500 giảm 6,4%.
•       Cập nhật mới nhất diễn biến dịch COVID-19 thế giới sáng 8/4. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 5h30 sáng 8/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới đã lên tới hơn 1,4 triệu người và số ca tử vong được ghi nhận là 81.858 người. Trong đó, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là hơn 301.700 người và vẫn còn tới gần 48.000 ca nguy kịch. Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất với 394.278 ca và 12.717 ca tử vong. Tiếp đó là Tây Ban Nha với 141.942 ca nhiễm và 14.045 ca tử vong. Italy ở vị trí thứ 3 với 135.586 ca nhiễu và 17.127 ca tử vong. Pháp với số ca mắc mới và tử vong trong 24h tăng mạnh, cũng đã vượt Đức và Trung Quốc, trở thành nước đứng thứ 4 về số ca nhiễm, với 109.069 ca và số ca tử vong là 10.328 ca. Mặc dù số ca tử vong thấp (2.016 ca) nhưng số ca nhiễm tại Đức đang tăng nhanh và hiện lên tới 107.663 ca. Tại Nga, lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới vượt con số 1.000 ca trong 24 giờ. Tổng số bệnh nhân tử vong đã tăng lên 58 ca với 11 ca tử vong mới được ghi nhận. Trong khi đó, tại Trung Quốc đại lục, nơi khởi phát dịch, ngày 7/4 đã lần đầu ghi nhận không có ca tử vong tại đại lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát, một tín hiệu tích cực trong thời điểm nước này đang nỗ lực ứng phó với nguy cơ dịch bùng phát do các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài.
•       Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế khẩn cấp có tổng trị giá lên tới 108.000 tỷ yen (tương đương 989 tỷ USD) nhằm vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Ngày 07/04, Thủ tướng Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành tại Nhật Bản, gồm thủ đô Tokyo cùng với các tỉnh Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka. Đây là lần đầu tiên tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh được ban bố ở “đất nước Mặt trời mọc”.
•       Các hợp đồng dầu thô tương lai xóa sạch đà tăng đầu phiên ngày thứ Ba (07/04) và giảm mạnh vào cuối phiên, chịu sức ép sau khi một báo cáo của Chính phủ Mỹ đã hạ dự báo giá dầu WTI và dầu Brent cùng triển vọng sản lượng dầu thô nội địa trong năm nay và năm tới. Đóng cửa, dầu WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex giảm 2,45 USD (tương đương 9,4%) xuống 23,63 USD/thùng.  Dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn giảm 1,18 USD (tương đương 3,6%) xuống 31,87 USD/thùng.

Bản tin phái sinh 08/04/2020 - Tiệm cận ngưỡng cản mạnh 700-725 điểm
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang