Ngày đăng: 07/10/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi nhà đầu tư cân nhắc những biến động mạnh về cổ phiếu và lãi suất đầu tháng. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones rớt 346,93 điểm (-1,15%) xuống 29.926,94 điểm, chỉ số S&P 500 mất 1,02% còn 3.744,52 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite lùi 0,68% xuống 11.073,31 điểm. 3 chỉ số này đều mở đầu phiên với sắc đỏ. Tuy nhiên, cả 3 chỉ số đang hướng đến ghi nhận mức tăng hơn 4% trong tuần qua, đánh dấu tuần tăng tốt nhất kể từ ngày 24/6/2022. Nhà đầu tư đang nóng lòng chờ đợi báo cáo việc làm của Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu (07/10), báo cáo sẽ cho thấy thị trường lao động Mỹ hoạt động như thế nào trong tháng 9, mang đến cho ngân hàng trung ương một thông tin khác về chiến dịch nâng lãi suất của mình. Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones kỳ vọng báo cáo sẽ cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 275.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở nức 3,7%. Một sự gia tăng bất ngờ về tình hình lao động có thể làm tăng lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có đường lối cứng rắn hơn đối với lạm phát.
- Giá dầu tăng khoảng 1%, dao động ở mức cao nhất trong 3 tuần sau khi OPEC+ thống nhất thắt chặt nguồn cung toàn cầu với thoả thuận cắt giảm mục tiêu sản lượng 2 triệu thùng/ngày, mức cắt giảm mạnh nhất kể từ năm 2020. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 1,05 USD (+1,1%) lên 94,42 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 69 xu (+0,8%) lên 88,45 USD/thùng. Thoả thuận giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, một nhóm được gọi chung là OPEC+, được ra ra trước khi Liên minh Châu Âu áp lệnh cấm vận đối với dầu Nga và sẽ siết chặt nguồn cung trong một thị trường vốn đã khan hiếm, qua đó làm gia tăng lạm phát. “Chúng tôi tin rằng tác động về giá của những biện pháp đã công bố sẽ là đáng kể”, Jorge Leon, Phó Chủ tịch cấp cao tại Rystad Energy, nhận định. “Vào tháng 12 năm nay, dầu Brent sẽ đạt trên 100 USD/thùng, tăng so với dự báo trước đó là 89 USD/thùng”. Việc cắt giảm sản lượng diễn ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đang nâng lãi suất để đối phó lạm phá. Giá đầu cao hơn sẽ làm giảm nhu cầu, kìm hãm đà tăng giá.
- Giá vàng giảm, chịu áp lực bởi đà tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu, trong khi nhà đầu tư chuẩn bị chờ đón dữ liệu việc làm của Mỹ có thể ảnh hưởng đến lộ trình chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay hạ 0,1% xuống 1.714,29 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai gần như đi ngang ở mức 1.720,8 USD/oz. Chỉ số của đồng USD tiến 1%, khiến kim loại quý được neo giá theo đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng. Ryan McKay, Chiến lược gia hàng hoá tại TD Securities, nhận định: “Về cơ bản chúng tôi chỉ đang nắm giữ vì chúng tôi có một báo cáo việc làm quan trọng vào ngày mai và sau đó là một số dữ liệu lạm phát vào tuần tới… Đó sẽ là 2 điểm dữ liệu chính để xác định chặng tiếp theo đối với vàng, chờ đợi cuộc họp tiếp theo của Fed”.