Ngày đăng: 07/09/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm khi nhà đầu tư cân nhắc dữ liệu kinh tế mạnh mẽ và lãi suất tăng có ý nghĩa như thế nào đối với chiến dịch thắt chặt quyết liệt của Fed. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 173,14 điểm (-0,55%) xuống 31.145,30 điểm, nhưng đã rút khỏi mức đáy trong phiên nhờ các cổ phiếu phòng thủ như Johnson & Johnson và Coca-Cola. Chỉ số S&P 500 lùi 0,41% xuống 3.908,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0,74% còn 11.544,91 điểm, ghi nhận phiên sụt giảm thứ 7 liên tiếp, chuỗi lao dốc dài nhất kể từ năm 2016. Các động thái trên thị trường diễn ra sau khi dữ liệu ISM tháng 8 của Mỹ công bố vào sáng thứ Ba mạnh hơn dự báo, ở mức 56,9 so với kỳ vọng 55,5. Báo cáo này được công bố sau báo cáo việc làm hôm thứ Sáu (02/9), cũng tốt hơn kỳ vọng của Phố Wall, cho thấy nền kinh tế Mỹ vững chắc hơn dự báo. Cả 2 báo cáo đều được đưa ra trước cuộc họp chính sách tháng 9 của Fed, với kỳ vọng cơ quan này sẽ nâng lãi suất một lần nữa. Dữ liệu kinh tế tốt hơn dự kiến có thể có nghĩa là ngân hàng trung ương tiếp tục hành động quyết liệt trong việc nâng lãi suất.
- Giá dầu giảm do lo ngại trở lại về triển vọng nâng lãi suất mạnh hơn và các lệnh phong toả Covid-19 sẽ làm suy yếu nhu cầu nhiên liệu, đảo chiều từ đà tăng 2 phiên nhờ động thái cắt giảm sản lượng mục tiêu đầu tiên của OPEC+ kể từ năm 2020. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent mất 2,91 USD (-3%) còn 92,83 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI lùi xuống 86,88 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI đã giao dịch kể từ ngày Chủ nhật (04/9) mà không có kết phiên do nghỉ lễ Lao động (Labor Day). Giá dầu WTI đã giảm hơn 2% so với thời điểm khép phiên thông thường vào ngày thứ Hai (05/9), dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy. Tamas Varga của công ty môi giới dầu PVM chia sẻ: “Thông tin về OPEC+ hiện đã có trên thị trường và trọng tâm tạm thời chuyển sang lo ngại nền kinh tế và lạm phát, trong đó 2 yếu tố liên quan là việc kéo dài phong toả Covid-19 ở Trung Quốc và quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 08/9”. Về vấn đề nguồn cung, các dấu hiệu cho thấy một thoả thuận nhằm khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran với các cường quốc thế giới có ít thách thức đối với giá dầu thô hơn bằng cách làm giảm khả năng OPEC+ sẽ tiếp tục kế hoạch giảm sản lượng của mình.
- Giá vàng giảm từ mức đỉnh 1 tuần trong phiên trước đó, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng trong bối cảnh kỳ vọng việc thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt của các ngân hàng trung ương lớn. Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,56% xuống 1.700,59 USD/oz, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 30/8 là 1.726,49 USD/oz trong phiên trước đó. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,64% còn 1.711,60 USD/oz. Tiêu điểm trong tuần này sẽ là cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 08/9, với dự kiến sẽ đưa ra một đợt nâng lãi suất 75 điểm cơ bản. Các quỹ tương lai của Fed hiện đang định giá khả năng 73% Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 20-21/9. Chiến lược gia hàng hoá Daniel Ghali của TD Securities nhận định: “Có rất ít yếu tố gây áp lực lên thị trường, tất cả đều liên quan đến triển vọng chính sách tiền tệ trên thế giới trong năm tới”. Đồng USD tăng lên mức đỉnh 2 thấp kỷ sau khi dữ liệu cho thấy ngành dịch vụ của Mỹ tăng trở lại trong tháng 8, làm vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài.