Quay lại

Ngày đăng: 06/12/2021

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:

  • Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong ngày thứ Sáu sau khi nhận được báo cáo việc làm tháng 11 thất vọng và khép lại tuần giao dịch đầy biến động trước nỗi lo về biến thể Covid Omicron. Chỉ số Dow Jones giảm 59,71 điểm còn 34.580,08 điểm khi cổ phiếu thành viên Boeing rớt 1,9%. Có thời điểm trong phiên, chỉ số này giảm tới hơn 300 điểm. S&P 500 rớt 0,8% xuống 4.538,43 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 1,9% và khép phiên tại 15.085,47 điểm. Bất chấp đà phục hồi mạnh trong ngày thứ Năm khi Dow Jones tăng hơn 600 điểm, chỉ số này vẫn giảm 0,9%/tuần. Cũng trong tuần qua, S&P 500 giảm 1,2%, và Nasdaq Composite mất 2,6%. “Những bất ổn liên quan đến Omicron còn cao, cùng với nỗi thất vọng về số liệu việc làm đã khiến nhà đầu tư quyết định bán tháo trước thời điểm cuối tuần”, nhận định của Ryan Detrick, chiến lược gia trưởng tại LPL Financial. Cụ thể, báo cáo việc làm tháng 11 cho thấy tốc độ tạo việc làm chậm hơn so với tháng trước với mức tăng chỉ 210.000, kết quả này thấp hơn nhiều so với con số dự báo 573.000 từ các nhà kinh tế được Dow Jones thăm dò. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh còn 4,2%, tốt hơn so với dự báo giảm 4,5%.
  • Kết thúc ngày giao dịch thứ Sáu, giá dầu thô không có nhiều thay đổi sau khi xóa đi đà tăng giá mạnh trước đó do lo lắng rằng số ca nhiễm Covid ngày càng tăng và biến chủng mới có thể giảm thiểu nhu cầu năng lượng toàn cầu. Vào đầu ngày, giá dầu tăng 2 USD/thùng sau khi OPEC+ cho hay nhóm này có thể xem xét lại chính sách tăng nguồn cung nếu nhiều trường hợp phong tỏa gây ảnh hưởng đến nhu cầu. Hợp đồng dầu Brent nhích 18 xu (+0,26%), kết thúc ngày giao dịch tại 69,85 USD/thùng. Tuy nhiên, hợp đồng dầu WTI lùi 28 xu (-0,42%) còn 66,22 USD/thùng. Lần đầu tiên cả hai hợp đồng này đã giảm sáu tuần liên tiếp kể từ tháng 11/2018, và vẫn nằm trong vùng quá bán theo phân tích kỹ thuật liên tiếp sáu ngày lần đầu tiên kể từ tháng 9/2020. “Có nhiều lý do dẫn đến đà giảm giá mạnh của dầu”, Giám đốc bộ phận hợp đồng năng lượng của Mizuho tại New York Bob Yawger đề cập đến số ca nhiễm Covid đang trên đà tăng, báo cáo việc làm thất vọng của Mỹ và quyết định duy trì kế hoạch tăng nguồn cung của OPEC+ trong tháng 1/2022. Vào ngày thứ Năm, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng Nga và đồng minh, được biết đến với tên gọi khác là OPEC+, làm thị trường ngạc nhiên khi tuyên bố nhóm này tiếp tục duy trì kế hoạch bổ sung thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 1. Nhưng OPEC+ cũng đã tính tới tình huống nhanh chóng thay đổi chính sách khi nhu cầu đi xuống do những biện pháp ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Omicron. Nhóm này cho hay họ có thể tái gặp mặt trước cuộc họp định kỳ tiếp theo vào ngày 4/1.
    Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá vàng tăng gần 1% khi chủng virus Omicron gia tăng nỗi bất an còn lợi tức trái phiếu lại giảm từ đó gia tăng tính hấp dẫn của kim loại quý.
  • Giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.785,29 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai tiến 1,2% lên 1.783,9 USD. “Vàng đang có lợi thế khi các nhà đầu tư tìm kiếm bến đỗ an toàn khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng tốc việc thắt chặt còn cả hai chủng Delta và Omicron lại đang đe dọa đến đà tăng trưởng ngắn hạn”, Edward Moya, Chuyên gia phân tích cao cấp của công ty môi giới OANDA, nhận định. Một nhân tố khác hỗ trợ giá vàng là lần đầu tiên kể từ tháng 9 lợi tức trái phiếu Chính phủ 10 năm của Mỹ rớt xuống dưới 1,4%, giảm thiểu chi phí cơ hội nắm giữ vàng. Tuy nhiên, vàng vẫn đang trên đà giảm giá liên tiếp trong ba tuần với mức giảm 0,4% khi các quan chức Fed bày tỏ quan điểm thắt chặt đối với chương trình kích thích và lãi suất. Vàng cực kỳ nhạy cảm khi Mỹ tăng lãi suất bởi điều này đồng nghĩa gia tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng – loại hàng hóa không trả lãi tức.
Bản tin phái sinh 06/12/2021 - Chú ý nhịp hồi kỹ thuật!
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang