Ngày đăng: 06/07/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Nỗi lo về nguy cơ xảy ra suy thoái tại Mỹ đã đè nặng tâm trí nhà đầu tư nhưng lãi suất thấp hơn dường như đã đem lại sắc xanh cho nhóm cổ phiếu công nghệ. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite leo 1,75% lên 11.322,24 điểm sau đà giảm mạnh lúc mở cửa. S&P 500 tăng 0,16% lên 3.831,39 điểm sau khi rớt hơn 2% tại thời điểm thấp nhất trong phiên. Ngược lại, chỉ số Dow Jones rút ngắn đà giảm 129,44 điểm (-0,4%) còn 30.967,82 điểm sau khi lao dốc hơn 700 điểm trước đó trong phiên. Nỗi lo về tăng trưởng kinh tế đang đeo bám tâm trí nhà đầu tư giữa lúc thị trường Mỹ đang cố phục hồi trở lại sau 6 tháng khó khăn đầu năm. Thị trường đã giảm tuần thứ tư trong 5 tuần vừa qua và S&P 500 hiện đã sụt hơn 20% so với mức cao kỷ lục. Một số chuyên gia kinh tế tin rằng GDP Mỹ đã suy giảm trong 2 quý đầu năm, tức đã rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm đã đảo lộn trong ngày thứ Ba, một tín hiệu cảnh báo về suy thoái. Khi lợi suất ngắn hạn vượt lợi suất dài hạn, đây có thể là tín hiệu cho thấy nhà đầu tư đang kỳ vọng đà giảm tốc của nền kinh tế sẽ dẫn đến việc hạ lãi suất. “Thị trường Mỹ đang phản ánh kịch bản tăng trưởng giảm tốc và chiết khấu vào việc Fed buộc phải nâng lãi suất ngay cả khi kinh tế giảm tốc”, Mohamed El-Erian, Cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz, nhận định trên chuyên mục Squawk Box.
- Giá dầu giảm mạnh khi hợp đồng dầu tiêu chuẩn của Mỹ rớt xuống dưới 100 USD/thùng do nỗi sợ suy thoái gia tăng, qua đó làm dấy lên lo lắng rằng kinh tế trì trệ sẽ khiến nhu cầu đối với những sản phẩm dầu khí bị hạn chế. Hợp đồng dầu WTI kết thúc ngày giao dịch giảm 8,93 USD (-8,24%) xuống còn 99,5 USD/thùng. Từng có thời điểm dầu WTI trượt hơn 10%, giao dịch tại 97,43 USD/thùng. Lần cuối hợp đồng này giao dịch thấp hơn mốc 100 USD/thùng là vào ngày 11/5. Hợp đồng dầu Brent cũng rớt 10,73 USD (-9,45%) còn 102,77 USD/thùng. Hãng Ritterbusch và Associates cho rằng “khả năng suy thoái cao ngày càng áp đảo tình trạng mất cân bằng nguồn cung toàn cầu đã bắt đầu ảnh hưởng đến nhu cầu về dầu khí”. Công ty trên viết trong một báo cáo gửi đến khách hàng: “Thị trường dầu dường như đang ghi nhận nhu cầu yếu đi thấy rõ đối với dầu và diesel”. Cả hai hợp đồng đều giảm giá trong tháng 6, tạm dừng sáu tháng tăng giá liên tiếp khi nỗi sợ suy thoái khiến Wall Street tái cân nhắc nhu cầu tổng quan. “Trong viễn cảnh suy thoái khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, hộ kinh doanh gia đình và tư nhân phá sản, hàng hóa sẽ có đường cong chi phí giảm khi chi phí giảm phát còn lợi nhuận thì âm khiến giảm bớt nguồn cung”, Citi nhận định trong một báo cáo gửi tới khách hàng. Citi vốn là một trong những bên dự đoán dầu sẽ giảm giá trong khi những công ty khác, như Goldman Sachs, đã từng nhận định dầu sẽ tăng lên 140 USD hoặc hơn thế nữa.
- Giá vàng thế giới giao ngay giảm nhẹ xuống 1.801,1 USD/ounce. Trong khi giá vàng giao tháng 8 ổn định ở mức 1.801,45 USD/ounce. Trước đó, giá vàng giảm trong phiên giao dịch chiều ngày thứ 3 (5/7), neo gần mốc 1.800 USD/ounce, vì đồng USD tăng trở lại khiến vàng trở nên kém hấp dẫn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Theo nhà phân tích thị trường cho biết, giá vàng có thể tiếp tục dao động trong khoảng 1.750 - 1.900 USD trong một thời gian. Theo Reuters, trong khi vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát, thì việc tăng lãi suất đã tạo ra áp lực lớn lên tài sản không sinh lời. Ngoài ra, biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed và bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được theo dõi sát trong tuần này để thị trường có thêm thông tin về tốc độ thắt chặt chính sách của ngân hàng trung ương. Thêm vào đó, hiện vàng vẫn được coi là một công cụ quan trọng để cân bằng danh mục tài chính trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn hiện nay. Tuy nhiên, một số chuyên gia hiện vẫn có nhận định thiếu tích cực về vàng. Trong khảo sát mới nhất của Kitco, giới đầu tư cũng đã bớt lạc quan. Có 41% dự báo giá vàng giảm tuần thứ 4 liên tiếp, trong khi số người kỳ vọng tăng là 31%.