Ngày đăng: 06/05/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ giảm mạnh, xóa sạch toàn bộ đà phục hồi đạt được trong phiên trước đó. Sự đảo chiều bất ngờ này đã mang lại cho nhà đầu tư một trong những phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2020. Đóng cửa, Dow Jones mất 1.063 điểm (-3,12%) và đóng cửa tại 32.997,97 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 4,99% còn 12.317,69 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Cả hai chỉ số này đều ghi nhận phiên lao dốc mạnh nhất kể từ năm 2020. S&P 500 rớt 3,56% còn 4.146,87 điểm, ghi nhận phiên sụt giảm mạnh thứ hai trong năm nay của chỉ số này. Được biết, cả ba chỉ số chính đều phục hồi mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư với Dow Jones vọt 932 điểm (+2,81%), S&P 500 tăng 2,99% và đánh dấu phiên tăng điểm mạnh nhất trong năm 2020; Nasdaq Composite nhảy vọt 3,19%. Tuy nhiên, toàn bộ đà tăng này đều bị xóa sạch trước buổi trưa ngày thứ Năm tại New York. Đà bán tháo ngày thứ Năm diễn ra trên toàn thị trường với hơn 90% cổ phiếu thuộc S&P 500 đều chìm trong sắc đỏ. Thậm chí các cổ phiếu có kết quả ấn tượng trong năm nay cũng mang sắc đỏ với Chevron, Coca-Cola và Duke Energy rớt gần 1%.
- Giá dầu tăng nhẹ trước sức ép từ đồng USD mạnh hơn và đà sụt giảm của các thị trường chứng khoán toàn cầu nhưng lại nhận được sự hỗ trợ từ mối lo lắng về nguồn cung sau khi EU phát thảo kế hoạch áp dụng các biện pháp trừng phạt mới với Nga, trong đó có lệnh cấm vận dầu thô. Hợp đồng dầu thô Brent tương lai cộng 76 xu lên 110,90 USD/thùng. Hợp đồng dầu thô WTI tại Mỹ khép phiên tăng 45 xu lên 108,26 USD/thùng. Đồng USD phục hồi lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2002, một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để chống chọi với lạm phát. Đồng USD mạnh cũng khiến giá dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
- Vàng giảm giá trong ngày thứ Năm, xóa sạch đà tăng hơn 1% vào đầu phiên. Sự phục hồi của đồng USD đã làm giảm lực hỗ trợ cho giá vàng từ quan điểm tương đối ít “diều hâu” hơn về việc nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Hợp đồng vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.877,95 USD/oz sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 29/4 vào đầu phiên. Hợp đồng vàng tương lai tăng 0,5% lên 1.878,4 USD/oz. Chỉ số đồng USD tăng 0,9% nhờ dòng vốn đầu tư vào các kênh trú ẩn an toàn trước làn sóng bán tháo trên Wall Street. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng hơn 3%. Tuy nhiên, đà tăng của đồng bạc xanh đã làm giảm sự hấp dẫn của kim loại quý đối với các nhà đầu tư hải ngoại. Ngoài ra, thị trường cũng chú ý đến việc số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp vẫn còn ở mức tương thích với các điều kiện thắt chặt trên thị trường lao động. Bất kỳ dấu hiệu nào về đà phục hồi của nền kinh tế cũng sẽ làm giảm nhu cầu đối với kim loại được xem là “vịnh tránh bão”.