Quay lại

Ngày đăng: 06/04/2020

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
•       Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm vào ngày thứ Sáu (03/04) để khép lại một tuần giao dịch đầy biến động khác, chịu sức ép bởi sự gia tăng số ca tử vong vì COVID-19 ở New York trong khi nhà đầu tư tiếp nhận báo cáo việc làm ảm đạm ở Mỹ. Chỉ số Dow Jones giảm 360,91 điểm, tương đương 1,69%, xuống 21.052,53 điểm. S&P 500 giảm 38,25 điểm, tương đương 1,51%, xuống 2.488,65 điểm. Nasdaq giảm 114,23 điểm, tương đương 1,53%, xuống 7.373,08 điểm. Chốt tuần, Dow Jones giảm 2,7%, S&P 500 giảm 2,1% còn Nasdaq giảm 1,7%.
•       Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số việc làm tại Mỹ giảm 701.000 trong tháng 3, kết thúc đợt tăng trưởng việc làm dài 113 tháng tại nước này. Tuy nhiên, số liệu trên chưa phản ánh hoàn toàn thiệt hại kinh tế do virus corona gây ra bởi khảo sát chỉ kéo dài đến giữa tháng 3, trước khi Mỹ cách ly xã hội diện rộng. Số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ trong hai tuần qua đã tăng lên mức kỷ lục 6,6 triệu đơn. Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tuần trước (tuần kết thúc vào ngày 28/3), cơ quan này đã nhận được 3,341 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Con số này của tuần trước đó, là 3,307 triệu đơn. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tuần, đã có hơn 6,6 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Tổng cộng trong tháng 3, 10,4 triệu người Mỹ đã mất việc làm và nộp đơn xin trợ cấp.
•       Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 6/4 (theo giờ Hà Nội), trên thế giới có 1.268.855 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 69.330 trường hợp tử vong. Như vậy, thế giới có thêm 67.372 người nhiễm mới và 4.640 người tử vong so với 24h trước. Cho đến nay Mỹ vẫn dẫn đầu về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới. Thậm chí trong 24h qua, số ca tử vong mới tại nước này cũng cao nhất thế giới. Tây Ban Nha, Italy, Đức, Pháp và Trung Quốc lần lượt xếp các vị trí tiếp theo trong bảng thống kê các nước có ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới. Tuy vậy, trong ngày 5/4, Italy đã ghi nhận số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thấp nhất trong 2 tuần qua và số lượng bệnh nhân cần điều trị tích cực tiếp tục giảm ngày thứ 2 liên tiếp. Số ca nhiễm mới tại Đức cũng ghi nhận giảm 3 ngày liên tiếp.
•       Giá Dầu WTI tăng gần 32% trong tuần qua nhờ hy vọng OPEC cắt giảm sản lượng. Chốt phiên cuối tuần, giá dầu Brent tương lai tăng 4,17 USD, tương đương 13,9%, lên 34,11 USD/thùng, chốt tuần tăng 36,8%. Giá dầu WTI tương lai tăng 3,02 USD, tương đương 11,93%, lên 28,34 USD/thùng, chốt tuần tăng 31,8%. Đây là tuần tăng nhiều nhất lịch sử đối với cả hai loại dầu. OPEC dự kiến họp khẩn vào ngày 6/4, do Arab Saudi dẫn dắt, và có thể đạt thỏa thuận giảm 10 triệu thùng/ngày, tương đương 10% tổng cung thế giới.
•       Giá vàng ngày 3/4 tăng do bảng lương phi nông nghiệp tháng 3 cho thấy đợt tăng trưởng việc làm dài 113 tháng tại Mỹ đã kết thúc vì virus corona. Giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 11,6 USD lên 1.621,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai tăng 0,5% lên 1.645,7 USD/ounce.

Bản tin phái sinh 06/04/2020 - Nhịp hồi phục kỹ thuật vẫn tiếp diễn
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang