Ngày đăng: 05/08/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chỉ số Dow Jones giảm điểm khi nhà đầu tư chờ đợi báo cáo việc làm tháng 7 công bố vào ngày thứ Sáu (05/8), báo cáo này sẽ cung cấp thông tin mới nhất về thị trường lao động và sức khoẻ nền kinh tế Mỹ. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones lùi 85,68 điểm (-0,26%) xuống 32.726,82 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,08% xuống 4.151,94 điểm, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 6 vào ngày 03/8. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,41% lên 12.720,58 điểm, mức đóng cửa cao nhất kể từ đầu tháng 5/2022. Theo một báo cáo vào sáng ngày thứ Năm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tại Mỹ tăng nhẹ, khiến nhà đầu tư phải quan sát các dấu hiệu cho thấy sức mạnh thị trường lao động đang suy yếu. Báo cáo việc làm của Mỹ tháng 7, dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu, sẽ cho thấy số việc làm được tuyển dụng trong tháng trước. Các chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 258.000 việc làm trong tháng 7, giảm so với mức 372.000 việc làm trong tháng 6, theo Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo vẫn ở mức 3,6%. Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ có được bản cập nhật dữ liệu lạm phát từ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7 vào tuần tới.
- Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước khi xung đột Nga – Ukraine hồi tháng 02/2022 khi nhà đầu tư lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế vào cuối năm nay có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 2,75% xuống 94,12 USD/thùng sau khi chạm mức thấp 93,20 USD/thùng hồi giữa phiên, mức thấp nhất kể từ ngày 21/02/2022. Hợp đồng dầu WTI mất 2,3% còn 88,54 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 03/02/2022. Động thái bán tháo trong ngày thứ Năm diễn ra sau sự gia tăng bất ngờ dự trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần trước. Dự trữ xăng, một chỉ báo về nhu cầu, cũng cho thấy sự gia tăng bất ngờ khi nhu cầu chậm lại dưới tác động của giá xăng lên gần 5 USD/gallon, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết. Triển vọng nhu cầu vẫn ảm đạm bởi nhũng lo ngại ngày càng tăng về suy thoái kinh tế ở Mỹ và châu Âu, tình trạng nợ nần của các nền kinh tế thị trường mới nổi, và chính sách 0 Covid-19 ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Góp phần tăng thêm sức ép là những lo ngại rằng lãi suất cao hơn có thể làm trì trệ hoạt động kinh tế và hạn chế nhu cầu nhiên liệu. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất vào ngày thứ Năm và cảnh báo về rủi ro suy thoái.
- Giá vàng tăng hơn 1% lên mức cao nhất trong 1 tháng vào ngày thứ Năm (04/8), được củng cố bởi đà suy yếu của đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ, và khi nhà đầu tư theo dõi sát sao căng thẳng Mỹ - Trung. Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 1,6% lên 1.793,34 USD/oz, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 05/7 trước đó. Hợp đồng vàng tương lai cộng 1,89% lên 1.810,90 USD/oz. David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, nhận định: “Vào cuối năm, lợi suất đang giảm nhẹ, cùng với đà suy yếu gần đây của đồng USD, một trong những yếu tố tác động tích cực nhất đối với vàng”. Đồng USD suy yếu đã củng cố sức hấp dẫn của vàng đối với những người mua nước ngoài, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng giảm, làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất. “Chúng tôi đã thấy một số căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, vì vậy một lí do bổ sung khiến vàng được hỗ trợ tốt vào buổi sáng”, ông Meger nói. Trung Quốc đã bắn nhiều tên lửa gần Đài Loan trong cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay ở eo biển Đài Loan, một ngày sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo này.