Ngày đăng: 04/01/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trong năm với sắc đỏ, khép lại một năm 2021 liên tục lập kỷ lục bất chấp những rào cản dai dẳng liên quan đến Covid. Kết phiên, chỉ số Dow Jones hạ 59,78 điểm (-0,16%) xuống 36.338,30 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 0,26% xuống 4.766,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0,61% còn 15.644,97 điểm. Cả 3 chỉ số chính đều tăng trong tháng qua. Tháng 12 đánh dấu tháng leo dốc thứ 5 liên tiếp của Dow Jones và Nasdaq Composite ghi nhận 6 tháng tăng liên tiếp. Các chỉ số chính đều chứng kiến mức tăng 2 chữ số trong năm nay, khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid, trong khi Fed duy trì các biện pháp hỗ trợ được thực hiện lần đầu tiên khi đại dịch bùng phát. Theo đó, S&P 500 đã bứt phá 26,89% trong năm 2021, đánh dấu 3 năm leo dốc liên tiếp của chỉ số này. Dow Jones và Nasdaq Composite cũng ghi nhận chuỗi 3 năm tăng liên tiếp, lần lượt vọt 18,73% và 21,39%. S&P 500 đã lập kỷ lục 70 lần trong năm nay, chứng kiến số lần lập kỷ lục cao nhiều thứ 2 từ trước đến nay sau 77 lần lập kỷ lục mới hồi năm 1995. Việc khép phiên ở mức cao kỷ lục diễn ra thường xuyên. S&P 500 đã công bố ít nhất 1 lần đóng cửa ở mức cao kỷ lục mỗi tháng kể từ tháng 11/2020. Một năm bứt phá đối với chứng khoán đã diễn ra ngay cả khi đại dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp, với các biến thể như Delta và gần đây là Omicron đã dẫn đến các đợt bùng phát dịch trong năm. Hiện Mỹ ghi nhận hơn 53 triệu ca nhiễm Covid và hơn 820.000 trường hợp tử vong, theo dữ liệu CDC Mỹ công bố vào ngày 30/12. Chắc chắn, những diễn biến như triển khai vắc-xin ngừa Covid đã thay đổi y tế cộng đồng, dẫn đến một số tâm lý tích cực trên thị trường. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và chiến lược gia dự báo các điều kiện khó khăn hơn sẽ đến vào năm tới, khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ và đối phó lạm phát.
- Giá dầu giảm 1% nhưng vẫn ghi nhận năm tăng mạnh nhất trong 12 năm, được thúc đẩy bởi đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng Covid và sự hạn chế từ các nhà sản xuất, ngay cả khi số ca nhiễm Covid tăng cao kỷ lục trên thế giới. Đóng cửa, hợp đồng dầu Brent lùi 86 xu (-1,1%) xuống 78,67 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 80 xu (-1%) còn 76,19 USD/thùng. Sau khi leo dốc vài phiên liên tiếp, giá dầu đã chứng lại trong ngày thứ Sáu khi số ca nhiễm Covid vọt lên mức đỉnh mới trên toàn cầu, từ Australia đến Mỹ, do biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao. Hợp đồng dầu Brent khép lại năm 2021 với mức leo dốc 53%, còn hợp đồng dầu WTI bứt phá 57%, đánh dấu năm tăng mạnh nhất đối với cả 2 hợp đồng kể từ năm 2009. Với giá dầu dao động ở mức 80 USD/thùng, ông James kỳ vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các đồng minh, gọi chung là OPEC+, sẽ bám sát kế hoạch nâng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng khi nhóm họp vào ngày 04/01/2022.
- Giá vàng có năm giảm mạnh nhất kể từ năm 2015, do đồng USD phục hồi trong bối cảnh nhà đầu tư chuẩn bị đón chào một năm mới mà nguồn cung tiền có thể bị thu hẹp ngay cả khi mối đe dọa từ biến thể Omicron vẫn còn. Khép lại phiên giao dịch, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,4% lên 1.822,11 USD/oz, sau khi đạt đỉnh kể từ ngày 22/11 là 1.827,26 USD/oz trong phiên, được hỗ trợ bởi đà suy yếu của đồng USD và chứng khoán toàn cầu. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,5% lên 1.823,00 USD/oz. Vàng đã giảm 4% trong năm 2021 khi kinh tế toàn cầu phục hồi đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư hướng đến các tài sản có rủi ro hơn và giảm bớt nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn như vàng. Góp phần làm tăng sự xáo trộn này là những dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương sẽ tăng tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ nới lỏng hồi đại dịch. Mặc dù vàng được xem là một kênh phòng ngừa lạm phát, nhưng việc nâng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ vàng, vốn không đem lại lợi suất, và thúc đẩy đồng USD cũng như lợi suất trái phiếu Mỹ. Chuyên gia phân tích Warren Venketas của DailyFX nhận định: “Với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ đạt 2% trong năm 2022 cùng với lạm phát nhất thời (và tất nhiên là lãi suất cao hơn), vàng có thể rơi vào một cuộc chiến khó khăn”. Fed được kỳ vọng sẽ có 3 đợt nâng lãi suất trong năm 2022. Trong năm 2022, “trong khi lo ngại về biến thể Omicron có thể hỗ trợ vàng, thì lãi suất cao hơn có thể làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý”, Han Tan, Giám đốc phân tích thị trường của Exinity, chia sẻ.