Ngày đăng: 03/12/2021
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ nhảy vọt trong ngày thứ Năm nhờ sự hồi sinh của nhóm cổ phiếu mang tính chu kỳ sau đà bán tháo mạnh trong phiên trước đó do nỗi lo về biến thể Omicron. Chỉ số Dow Jones tăng 617,75 điểm lên 34.639,79 điểm nhờ đà tăng mạnh 7,5% của cổ phiếu Boeing. Chỉ số S&P 500 tiến 1,4% lên 4.577,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite nhận 0,8% lên 15.381,32 điểm. Chỉ số của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ Russell 2000, bao gồm những công ty nhạy cảm nhất với các thông tin từ nền kinh tế, tăng 2,7%. Nhà đầu tư tiếp tục dõi theo các diễn biến mới về biến thể Covid-19 – Omicron – sau khi Mỹ công bố ca nhiễm đầu tiên vào hôm thứ Tư. Ca nhiễm thứ hai liên quan đến biến thể Omicron được công bố vào ngày thứ Năm. Hiện khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ rút lại chương trình mua tài sản nhanh hơn dự kiến cũng đang được nhà đầu tư quan tâm. Hôm thứ Ba, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trước Hội đồng Thượng viện rằng nền kinh tế đang rất mạnh và áp lực lạm phát đang tăng cao, và ví thể ông cho rằng đây là thời điểm thích hợp để xem xét rút lại chương trình mua tài sản sớm hơn dự kiến vài tháng.
- Trong ngày thứ Năm, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia không trực thuộc OPEC, được biết đến với tên gọi OPEC+, quyết định sẽ tiếp tục kế hoạch bổ sung nguồn cung thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022 theo thỏa thuận trước đó. Trong cuộc họp được nhiều người mong đợi này, liên minh năng lượng đã họp trực tuyến để quyết định liệu có nên tiếp tục kế hoạch bổ sung nguồn cung vào thị trường hay hạn chế nguồn cung do quan ngại về biến chủng Covid-19 Omicron. Những vấn đề khác của cuộc họp bao gồm việc mở kho dự trữ chiến lược do Mỹ dẫn dắt và khả năng Iran tái gia nhập thị trường dầu mỏ. Giá dầu lấy lại những gì đã mất trước đó và ghi nhận đà tăng, theo đó một số người tin rằng giá thị trường đã đi trước kết quả cuộc họp. Hợp đồng dầu Brent tăng 2,31% (+1,59 USD) kết thúc ngày giao dịch tại 70,46 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI tiến 2,75% (+1,8 USD) lên 67,37 USD/thùng. Đại đa số các nhà phân tích năng lượng đều dự đoán OPEC+ sẽ bám sát kế hoạch nâng nguồn cung hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, một số người nghi ngại liệu tổ chức này có lý do dừng lại để đánh giá thị trường sau một giai đoạn giá dầu có nhiều biến động hay không.
- Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá vàng giảm khi nhà đầu tư đặt cược Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhanh chóng dừng lại chương trình mua trái phiếu để ứng phó với lạm phát đang tăng dù vẫn còn lo ngại về hồi phục kinh tế giữa sự xuất hiện của biến chủng Omicron mới. Giá vàng giao ngay giảm 0,77% về 1.768,24 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai tại Mỹ lùi 0,3% còn 1.778,10 USD/oz. Trong cuộc điều trần trước Quốc hội vào hôm thứ Tư, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ngân hàng trung ương cần sẵn sàng ứng phó với khả năng lạm phát sẽ không suy giảm trong nửa cuối năm 2022. Ông Powell cũng nói Fed sẽ cân nhắc tăng tốc cắt giảm chương trình thu mua trái phiếu tại cuộc họp sắp tới kéo dài trong 2 ngày bắt đầu vào ngày 14/12. Vàng luôn được xem là công cụ phòng tránh lạm phát, dù các gói kích thích ít hơn và lãi suất tăng đẩy lợi tức trái phiếu Chính phủ đi lên, đồng nghĩa gia tăng chi phí cơ hội khi nắm giữ vàng, vốn không trả lãi tức.