Quay lại

Ngày đăng: 02/10/2019

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
• Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh vào phiên giao dịch ngày 1/10 - phiên đầu tiên của quý IV, khi số liệu sản xuất đáng thất vọng được công bố, gây thêm nỗi lo đối với nền kinh tế Mỹ. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 343,79 điểm, tương đương 1,3% xuống 26.573,04 điểm, dù đầu phiên đã tăng hơn 100 điểm. S&P 500 sụt 1,2% đóng cửa ở 2.940,25 điểm. Nasdaq Composite giảm 1,1%, còn 7,908,68 điểm. Ở phiên này, lợi tức trái phiếu kho bạc đã đảo ngược mức tăng trước đó khi các nhà đầu tư bỏ cổ phiếu để ủng hộ trái phiếu Mỹ truyền thống an toàn hơn. Lợi suất trái phiếu 10 năm đã giảm ở mức 1,64%, sau khi tăng lên khoảng 1,75%. Lợi suất trái phiếu 2 năm giảm xuống 1,54% từ khoảng 1,68%.
• Nhà đầu tư chuyển sang mua vào trái phiếu chính phủ Mỹ sau khi Viện quản lý nguồn cung (ISM) công bố số liệu nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 9 là 47,8, giảm đáng kể so với tháng 8 và thấp hơn kỳ vọng 50,1. PMI dưới 50 đồng nghĩa hoạt động sản xuất thu hẹp và ngược lại, đây là mức tồi tệ nhất kể từ tháng 6 năm 2009. Số liệu trên phản ánh tình trạng tương tự như ở eurozone, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc. Nhà đầu tư đang chờ báo cáo việc làm Mỹ tháng 9, dự kiến công bố ngày 4/10 để có cái nhìn rõ hơn về kinh tế Mỹ.
• Liên quan tới tình hình tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc và Nhật Bản trong tháng 9 tiếp tục suy giảm, với PMI sản xuất lần lượt đạt 49,8 điểm và 48,9 điểm. Trong đó, sản xuất Trung Quốc đã giảm 5 tháng liên tiếp, và sản xuất Nhật Bản giảm mạnh nhất 7 tháng. Tại Nhật Bản, thuế tiêu thụ bắt đầu tăng lên 10% từ 8% kể từ hôm nay sau 2 lần trì hoãn. Động thái này được xem là bước đi cần thiết để khắc phục các vấn đề tài chính quốc gia, nhưng lại có thể đẩy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào suy thoái do tâm lý tiêu dùng giảm.
• Tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ tiền tệ toàn cầu quý 2 năm nay đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2013, trong khi tỷ trọng của đồng Yên Nhật tăng lên mức cao nhất gần 2 thập kỷ - hãng tin CNBC dẫn số liệu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 30/9. Theo đó, dự trữ bằng đồng USD đạt 6,79 nghìn tỷ USD, chiếm 61,63% tổng dự trữ trong quý 2, so với mức 6,74 nghìn tỷ USD, chiếm 61,68% trong quý 1. Đây là tỷ trọng thấp nhất của đồng USD trong dự trữ tiền tệ toàn cầu kể từ quý 4/2013, thời điểm tỷ trọng giảm còn 61,27%.Tổng dự trữ tiền tệ trên toàn cầu trong quý 2 năm nay đạt 11,02 nghìn tỷ USD, từ mức 10,9 nghìn tỷ USD trong quý 1.
• Số liệu kinh tế của Mỹ kém, giá dầu giảm trong phiên ngày 01/10. Giá dầu Brent tương lai giảm 36 cent xuống 58,89 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 45 cent xuống 53,62 USD/thùng.
• Giá vàng ngày 1/10 thoát đáy 2 tháng nhờ số liệu kinh tế Mỹ kém. Giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 7,1 USD lên 1.478,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai tăng 1,1% lên 1.489 USD/ounce.

Bản tin phái sinh 02/10/2019 - TEST lại vùng cản mạnh 932-935 điểm
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang