Ngày đăng: 02/08/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch mở đầu tháng 8, với một số nhà đầu tư nghi ngờ liệu đà tăng điểm gần đây có tiếp diễn hay không. Đóng cửa, cả 3 chỉ số chính đều đứt mạch chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp, với chỉ số S&P 500 lùi 0,28% xuống 4.118,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 0,18% xuống 12.368,98 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 46,73 điểm (-0,14%) còn 32.798,40 điểm. John Stoltzfus, Giám đốc chiến lược đầu tư của Oppenheimer, nhận định: “Thị trường có thể đang kiểm tra lại đà tăng đáng kể hồi tuần trước trong lúc xem xét tiến trình mà Fed đã thực hiện cho đến nay để ngăn chặn lạm phát”. Tuần này, nhà đầu tư có thêm dữ liệu kinh tế và báo cáo kết quả kinh doanh từ các doanh nghiệp để xem xét. Báo cáo việc làm của Mỹ tháng 7 từ Cục Thống kê Lao động Mỹ sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về thị trường lao động. Tăng trưởng việc làm ổn định sẽ khiến các chuyên gia kinh tế nói rằng Mỹ hiện không rơi vào suy thoái, bất chấp 2 quý liên tiếp có GDP âm. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm vào ngày thứ Hai, khi nhà đầu tư lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế.
- Kết phiên, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,15% còn 93,77 USD/thùng, giá dầu thô Brent giao tháng 9 giảm 3,82% còn 100 USD/thùng. Wang Tao, nhà phân tích kỹ thuật của Reuters cho biết việc giá dầu thô phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 102,68 USD/thùng có thể kích hoạt mức giảm của mặt hàng này trong phạm vi từ 99,52 đến 101,26 USD/thùng. Bên cạnh đó, OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày mai để quyết định sản lượng của tháng 9. Đây là lần đầu tiên trong năm, OPEC+ không có chính sách rõ ràng nào trước khi nhóm họp và điều này có thể làm cho cuộc họp thêm phần hấp dẫn và cũng cho phép nhóm đánh giá đúng đắn về những gì thế giới thực sự cần.
- Giá vàng tăng trở lại với giá vàng kỳ hạn tăng 6,1 USD lên mức 1.769 USD/ounce, giá vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.772 USD/ounce, tăng 7,8 USD so với phiên trước đó. Thị trường kim loại quý trong phiên giao dịch đầu tuần đã chạm mốc cao nhất trong vòng 3 tuần nhờ được thúc đẩy bởi sự suy yếu của đồng bạc xanh. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã giảm 0,47% xuống còn 105,41. Đồng bạc xanh thời gian qua liên tiếp giảm sau khi một loạt dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố, đặc biệt là quyết định tăng lãi suất 75 điểm cơ bản của Fed. Cùng với đó, đồng USD giảm khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. Hiện tại, giới đầu cơ giá vàng lên vẫn đang “nín thở” chờ đợi các dữ liệu kinh tế khác được công bố để xem Fed có thực sự bớt “diều hâu” hay không. Theo các chuyên gia, hướng đi tiếp theo của vàng sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế.