Ngày đăng: 01/07/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi S&P 500 khép lại nửa đầu năm tồi tệ nhất trong hơn 50 năm. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones rớt 253,88 điểm (-0,8%) xuống 30.775,43 điểm. Chỉ số S&P 500 mất gần 0,9% còn 3.785,38 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite lùi 1,3% xuống 11.028,74 điểm. Ngày thứ Năm là phiên giao dịch cuối cùng của quý 2/2022. Dow Jones và S&P 500 ghi nhận quý giảm mạnh nhất kể từ quý 1/2020, khi các biện pháp phong tỏa vì Covid-19 khiến chứng khoán lao dốc. Nasdaq Composite sụt 22,4% trong quý 2/2022, cũng là quý tồi tệ nhất kể từ năm 2008. S&P 500 đã khép lại nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970, chịu áp lực bởi những lo ngại về sự gia tăng lạm phát và hành động nâng lãi suất của Fed, cũng như cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài và các biện pháp phong tỏa Covid-19 ở Trung Quốc.
- Giá dầu sụt khoảng 3% khi nhóm OPEC+ xác nhận sẽ chỉ nâng sản lượng trong tháng 8 như đã thông báo trước đó bất chấp tình trạng khan hiếm nguồn cung toàn cầu, tuy nhiên, khiến thị trường băn khoăn về sản lượng tương lai. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 3,42 USD (-3%) xuống 109,03 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 4,02 USD (-3,7%) còn 105,76 USD/thùng. Nhóm các nhà sản xuất OPEC+, bao gồm Nga, vào ngày thứ Năm đã thống nhất duy trì chiến lược sản lượng sau cuộc họp diễn ra trong 2 ngày. Nhóm này đã tránh thảo luận về chính sách từ tháng 9 trở đi. Trước đó, OPEC+ quyết định nâng sản lượng mỗi tháng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8. Các lệnh trừng phạt dầu Nga vì cuộc xung đột Nga – Ukraine đã giúp đưa giá năng lượng tăng cao, gây ra lo ngại lạm phát và suy thoái.
- Giá vàng giảm và ghi nhận quý giảm mạnh nhất trong 5 quý khi đồng USD mạnh hơn và quan điểm “diều hâu” từ các ngân hàng trung ương đã làm giảm sức hấp dẫn của tài sản không đem lại lợi suất. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,6% xuống 1.807,11 USD/oz, sụt hơn 6% trong quý và giảm tháng thứ 3 liên tiếp. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,5% còn 1.807,7 USD/oz. Ricardo Evangelista, chuyên gia phân tích cấp cao tại ActivTrades, nhận định: “Vàng đang bị ảnh hưởng bởi lập trường quyết liệt của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Fed, cho thấy mong muốn mạnh mẽ của họ trong việc kiểm soát lạm phát bất kể nhữn thiệt hại có thể tạo ra cho nền kinh tế chung”. Giám đốc các ngân hàng trung ương hàng đầu trên thế giới cho biết tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Bồ Đào Nha rằng việc giảm lạm phát trên thế giới sẽ gây khó khăn và thậm chí có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng, nhưng cần phải thực hiện nhanh chóng để ngăn chặn tốc độ tăng giá nhanh.