Quay lại

Ngày đăng: 01/04/2020

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
•       Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm trong phiên giao dịch cuối cùng của quý đầu tiên của năm 2020. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 410,32 điểm (tương đương 1,8%) xuống 21.917,16 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,6% xuống 2.584,59 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm gần 1% còn 7.700,10 điểm. Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận quý đầu năm có thành quả tồi tệ nhất từ trước đến nay, lần lượt lao dốc 23,2% và 20%. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại Mỹ giảm từ 132,6 trong tháng 2 xuống 120 trong tháng 3/2020.
•       Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo tác động từ dịch COVID-19 có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc “đóng băng”. Theo đánh giá của WB, theo kịch bản khả quan nhất, kinh tế Trung Quốc có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2020, giảm đáng kể so với mức tăng 6,1% ghi nhận trong năm 2019. Tuy nhiên, Trung Quốc vừa công bố số liệu cho thấy Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của nước này bất ngờ tăng từ mức thấp kỷ lục 35,7 trong tháng 2/2020 lên 52 trong tháng 3/2020 (50 là ngưỡng phân định suy giảm và tăng trưởng).
•       Tính đến 6 giờ sáng ngày 1/4, toàn thế giới có 199 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới với 185.270 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó số ca tử vong ở quốc gia này là 3.780 ca, vượt qua cả Trung Quốc. Đứng thứ hai là Italy với số ca nhiễm là 105.792. Italy cũng là nước có số ca tử vong lớn nhất thế giới với 12.428 ca, lớn hơn 3,7 lần Trung Quốc, gần 3,3 lần Mỹ và gần 1,5 lần Tây Ban Nha. Đặc biệt, số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ và Pháp đến thời điểm này đã vượt qua Trung Quốc. Theo thống kê của trang worldometers.info, thế giới đã ghi nhận 854.307 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 42.016 ca tử vong. Đáng chú ý, gần 3/4 số ca tử vong là ở châu Âu.
•       Hợp đồng dầu WTI và dầu Brent đều chứng kiến quý giảm mạnh kỷ lục và đã mất hơn 50% giá trị trong tháng 3/2020 trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm do đại dịch COVID-19 và tình trạng dư cung vì cuộc chiến giá dầu Nga – Ả-rập Xê-út. Trong quý 1/2020, hợp đồng dầu WTI và Brent đã lao dốc lần lượt 66,5% và 65,6% để ghi nhận quý giảm mạnh kỷ lục kể từ khi bắt đầu ghi nhận dữ liệu tháng 6/1988.
•       Giá vàng thế giới tăng mạnh trong quý 1/2020 bất chấp đà sụt giảm trong phiên cuối cùng. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao tháng 6 giảm 46,60 USD (tương đương 2,8%) xuống 1.596,60 USD/oz – mức đóng cửa thấp nhất trong hơn 1 tuần. Dẫu vậy, vàng đã tăng 1,9% trong tháng 3 và tăng 4,8% trong quý 1/2020.

Bản tin phái sinh 01/04/2020 - Dao động khó lường
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang