Nhận định về xu hướng TTCK, ông Đỗ Bảo Ngọc, Chuyên gia nghiên cứu cao cấp CTCK MB (MBS) cho rằng, sẽ xuất hiện dòng tiền bắt đáy tại vùng hỗ trợ 575-580 điểm của VN-Index và thị trường có thể ghi nhận các phiên hồi phục kỹ thuật.
Tuy nhiên, NĐT cần chờ thêm tín hiệu kiểm nghiệm lại sức cầu trong các phiên hồi phục kỹ thuật, để đánh giá khả năng thị trường đã kết thúc suy giảm hay chưa.
Theo ông Ngọc, Thông tư 36/TT-NHNN với những quy định về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chặt chẽ hơn sẽ tác động tới diễn biến của TTCK trong ngắn hạn. Cụ thể, các NHTM có nợ xấu từ 3% trở lên không được cho vay đầu tư chứng khoán; các TCTD có tỷ lệ cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu ở mức cao hơn mức 5% vốn điều lệ sẽ phải cơ cấu lại theo hướng giảm dần các khoản cho vay này.
Các TCTD sở hữu cổ phiếu của hơn 2 ngân hàng hoặc có tỷ lệ sở hữu hơn 5% một TCTD khác sẽ phải cơ cấu giảm tỷ lệ sở hữu chéo. Còn các CTCK sử dụng nhiều vốn vay cho các dịch vụ tài chính, mà nguồn vốn này là từ các TCTD có tỷ lệ cho vay đầu tư và kinh doanh chứng khoán cao cũng sẽ chịu áp lực giảm dần các hoạt động này.
Gần đây, nhiều công ty chứng khoán công bố giảm tỷ lệ cho vay ký quỹ tại một số nhóm cổ phiếu. Những thông tin này không chỉ tác động trực tiếp tới hoạt động giao dịch tại một số mã cổ phiếu cụ thể, mà còn khiến nhà đầu tư lo ngại khả năng dòng tiền ngắn hạn trên thị trường bị thu hẹp.
Tuy nhiên, theo ông Ngọc, hầu hết các cổ phiếu bị hạn chế tỷ lệ cho vay ký quỹ đều là các cổ phiếu đầu cơ, có biến động giá lớn trong thời gian qua cả chiều tăng và chiều giảm. Do vậy, việc hạn chế cho vay margin của các CTCK chủ yếu nhằm giảm thiểu rủi ro cho hoạt động của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường suy giảm ngắn hạn.
Nhìn rộng ra, ông Ngọc cho rằng, Thông tư 36/TT-NHNN mang tính định hướng lại dòng vốn tương lai đối với TTCK theo hướng ổn định, đảm bảo các điều kiện cơ bản để thị trường phát triển dựa trên các nguồn vốn bền vững, chống sở hữu chéo và giảm sự phụ thuộc của TTCK vào nguồn vốn tín dụng, tránh những biến động tiêu cực không đáng có tác động tới TTCK từ yếu tố sử dụng vốn vay quá nhiều để đầu tư.
Về xu hướng thị trường trong ngắn hạn, theo ông Ngọc, các chỉ số chứng khoán vẫn nằm trong xu thế giảm, VN-Index đã tiến sát vùng hỗ trợ 575 - 580 điểm, nhiều khả năng trong các phiên tới sẽ xuất hiện dòng tiền bắt đáy tại vùng hỗ trợ này và thị trường có thể ghi nhận các phiên hồi phục kỹ thuật.
Trong khi đó, HNX-Index có phiên giảm mạnh qua ngưỡng hỗ trợ của đường trung bình động 20 ngày là tín hiệu khá xấu và xu thế giảm này chưa có tín hiệu kết thúc. Mặc dù vậy, chỉ số này cũng có khả năng hồi phục kỹ thuật khi tín tín hiệu hồi phục tại VN-Index có sức lan tỏa, về kỹ thuật thì vùng hỗ trợ mạnh gần nhất của HNX-Index đang nằm ở ngưỡng 86 điểm.
Theo ông Ngọc, sau nhiều phiên giảm mạnh thì các chỉ số có hiện tượng hồi phục kỹ thuật là điều đã được dự báo, tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý sức cầu trong các phiên hồi phục kỹ thuật, để đánh giá khả năng thị trường đã kết thúc suy giảm hay chưa.
Các tín hiệu tích cực như giao dịch ổn định, sức cầu được duy trì và thanh khoản liên tục đươc củng cố tăng dần sẽ là những yếu tố cơ bản để thị trường tạo lập mặt bằng giá mới và kết thúc xu thế giảm.
Trong trường hợp ngược lại, giao dịch trầm lắng, sức cầu thận trọng và thanh khoản tiếp tục giảm dần sẽ là những tín hiệu cho thấy diễn biến hồi phục của thị trường còn mong manh và xu thế giảm vẫn chưa thực sự kết thúc.
Sáng 25/11, giao dịch cầm chừng và thanh khoản giảm so với các phiên trước nhưng đến chiều, thị trường đã bật tăng trở lại, chốt phiên ở 585,9 điểm. Nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát để ghi nhận các tín hiệu cụ thể từ thị trường. Các nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục duy trì tỷ lệ tiền mặt cao, các hoạt động mua vào chỉ nên xem xét tại các vùng hỗ trợ kỹ thuật với tín hiệu là sức cầu duy trì tốt và thanh khoản thị trường được củng cố.
Về dài hạn, nền kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục chuyển biến tích cực, tăng trưởng GDP cả năm ước tính vào khoảng 5,8% và tỷ lệ lạm phát đang ở mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua; mặt bằng lãi suất tiếp tục hạ, lãi suất huy động 1 năm giảm xuống mức quanh 7%/năm.
Lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện khả quan nhờ tiêu thụ sản phẩm tốt hơn và mặt bằng lãi suất hạ mạnh so với năm 2013. Tổng hợp sơ bộ, lợi nhuận 9 tháng của các doanh nghiệp niêm yết tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá của MBS, xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới và đây là tiền đề cho sự tăng trưởng dài hạn của thị trường.
Theo TNCK