Nhịp giảm đã được xác nhận trong tuần giao dịch vừa qua và kể cả khi có một chút chững lại, quan điểm thận trọng vẫn chiếm ưu thế.
Tuần trước các chuyên gia VnEconomy phỏng vấn đều cho rằng sẽ có một nhịp giảm trong ngắn hạn và điểm hỗ trợ nằm đâu đó quanh 570 điểm. Tuần này VN-Index đã xác nhận một mức hỗ trợ tại khu vực này, khi chỉ số hai lần chạm tới ngưỡng 570 điểm và phục hồi.
Tuy nhiên, các chuyên gia không đánh giá cao cơ hội trụ lại tại ngưỡng 570 điểm và tất cả đều cho rằng chưa hội tụ được các dấu hiệu đáy tại đây. Dòng tiền vào nhỏ giọt, áp lực margin còn cao và nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn là những lý do khiến mức hỗ trợ này trở nên mong manh.
Chiến lược đầu tư thận trọng vẫn được áp dụng thống nhất. Tỷ trọng nắm giữ cao nhất chỉ là 40% cổ phiếu.
Tuần giảm thứ 4 liên tục đã đưa VN-Index về tận 570 điểm. Có tới 2 phiên trong tuần này chỉ số đã bị thử thách tại ngưỡng này, đặc biệt trong phiên cuối tuần. VN-Index đã không thủng 570 điểm, theo anh đó có phải là dấu hiệu của đáy hay không, hay chỉ là một nhịp nghỉ trước khi giảm tiếp?
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, Công ty Chứng khoán MB.
Như tôi đã đề cập trong tuần trước, các ngưỡng hỗ trợ chỉ có tính chất tham khảo về mặt hình thức, chứ không quyêt định được được mức độ giảm của thị trường sẽ đến mức nào.
Chừng nào nước ngoài còn bán ròng, lượng margin còn cao và dòng tiền lớn vẫn ngại rủi ro thì khả năng giảm tiếp là rất lớn.
Tuần này thị trường cũng ghi nhận những đợt bán ròng khủng khiếp của nhà đầu tư nước ngoài, bất kể là thỏa thuận hay khớp lệnh. Tính chung 4 tuần thì cả ngàn tỷ đồng đã chảy ngược ra khỏi thị trường. Cách đây 2 tuần, anh cũng đã nhận định rằng thị trường không phản ứng mạnh với khả năng tăng lãi suất của FED. Vậy hiện tượng này có thể hiểu như thế nào?
Vẫn câu chuyện cũ, việc nước ngoài bán ròng lớn tại thị trường Việt Nam nên được nhìn nhận đặt trong bối cảnh thị trường toàn cầu.
Trước viễn cảnh FED sẽ sớm tăng lãi suất, dòng tiền nước ngoài đã và đang tiếp tục bị rút ròng tại một loạt các thị trường mới nổi/thị trường biên chứ không chỉ riêng gì Việt Nam.
Đồng thời các tổ chức lớn, chẳng hạn như Morgan Stanley, tiếp tục khuyến nghị “underweight” thị trường mới nổi/thị trường biên.
Đặt trong bức tranh tổng thể đó, việc nước ngoài tiếp tục bán ròng tại thị trường Việt Nam là dễ hiểu. Ngoài ra, hiện nay các quỹ ETF Việt Nam đang ở trạng thái “discount” so với NAV nên cũng tạo ra sức ép bán ròng từ các quỹ này.
Thông tin vĩ mô khá bất ngờ xuất hiện là báo cáo về sự sụt giảm dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Theo anh, liệu đó chỉ là những biến động mùa vụ hay có những yếu tố khác, nhất là đặt trong bối cảnh FED có thể nâng lãi suất?
Tôi nghĩ nên nhìn nhận thông tin này một cách thận trọng. Đây là thông tin chưa chính thức, hoặc ít ra là thông tin này được trích từ nguồn không phải chính thức của Việt Nam, do đó cần phải xác minh lại tính chính xác.
Với quy mô sụt giảm lớn như vậy (báo cáo của HBSC trích nguồn dẫn số liệu sụt giảm đến 6,7 tỷ USD chỉ trong quý 3/2015), nếu là thông tin xác thực chắc chắn đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường ngoại hối. Diễn biến hiện nay không cho thấy như vậy.
Có lẽ cần chờ đợi số liệu công bố chính thức từ nguồn chính thống của Việt Nam trước khi bình luận.
Tỷ trọng giải ngân thấp tuần trước có thể giúp anh không chịu nhiều sức ép từ thị trường trong tuần này. Các vị thế mở hiện tại của anh như thế nào, anh có thay đổi phân bổ tỷ trọng hay không?
Tiếp tục đứng ngoài thị trường. Cơ hội sẽ đến khi thị trường chứng kiến một đợt sụt giảm mạnh từ mức hiện tại.
Theo VnEconomy