Tránh được những biến động bất lợi trong tuần qua, nhưng các chuyên gia vẫn duy trì đánh giá rất thận trọng về thị trường.
Tâm lý bi quan là cảm nhận rõ ràng từ các chuyên gia được VnEconomy phỏng vấn. Thậm chí có những quan điểm chưa nhìn thấy bất cứ điểm tích cực nào trong ngắn hạn. Điều mà nhiều chuyên gia chờ đợi là các đợt bán tháo mới, đẩy thị trường vào trạng thái “washout” rõ rệt.
Kịch bản này không phải là bi quan quá mức mà dựa trên những cơ sở như mức độ margin vẫn đang cao, thậm chí không chỉ ở các cổ phiếu đầu cơ mà đang lan sang cả các blue-chips; tâm lý nhà đầu tư rất xấu.
Đặc biệt vấn đề gây quan ngại là dòng vốn ngoại vẫn đang rút ra không ngừng nghỉ do ảnh hưởng của những biến động mạnh trên thị trường tài sản toàn cầu, hơn là bó hẹp trong câu chuyện tỷ giá trong nước.
Điểm tích cực được các chuyên gia nhìn nhận là việc thị trường giảm nhanh sẽ khiến giá trở nên hấp dẫn hơn, cộng với áp lực margin sẽ giảm dần. Các chuyên gia đều thống nhất về một nhịp “wash-out” rất có khả năng xảy ra.
Một tuần sụt giảm kinh hoàng của thị trường và các ngưỡng hỗ trợ mà anh chỉ ra trong tuần trước cũng đã “tan nát”. Tâm lý bi quan đang tăng lên cao trào, nhất là khi chứng khoán Trung Quốc cũng có nguy cơ thủng đáy. Liệu anh có tìm được điểm tích cực nào trong thị trường lúc này?
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, CT Chứng khoán MB (MBS)
Điểm tích cực là theo quan sát của tôi mức độ margin đã giảm được một phần (trung bình khoảng 10-15% so với đỉnh, tùy từng công ty chứng khoán, dù vẫn còn ở mức tương đối cao), và giá cổ phiếu đã giảm về mức hấp dẫn hơn trước.
Những biến động lớn trong tuần này được cho là một phần do hành động giải chấp. Nhiều khuyến cáo của công ty chứng khoán cũng chung suy nghĩ về giải pháp cắt giảm danh mục và đứng ngoài. Là người trong nghề, anh nhận thấy áp lực bán kỹ thuật có lớn hay không, hay chỉ là giao dịch cắt lỗ thông thường?
Áp lực cắt lỗ và bán giải chấp đang lớn dần, trong bối cảnh nhiều thông tin bất lợi như thị trường chứng khoán thế giới rơi quá mạnh, giá dầu tiếp tục tìm đáy mới, khối ngoại bán ròng,…
Tuy nhiên, tôi lại thấy cơ hội cũng đang gần hơn khi mặt bằng giá cổ phiếu đang giảm về vùng hấp dẫn hơn. Nếu xuất hiện những phiên call margin mạnh, bán tháo (wash-out), có thể dòng tiền lớn sẽ được kích hoạt trở lại tại vùng giá cổ phiếu hấp dẫn.
Một diễn biến cũng rất đáng chú ý là nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ra rất nhiều mà tập trung chủ yếu qua phương thức khớp lệnh ở các cổ phiếu blue-chips. Nếu như cuối năm ngoái thị trường lo ngại việc dòng vốn nước ngoài bán ròng do áp lực tỷ giá, thì tại sao hoạt động này vẫn diễn ra khi tỷ giá 2 tuần đầu năm 2016 vẫn khá ổn định?
Tôi cho rằng khối ngoại bán ròng có thể xuất phát từ nguyên nhân thị trường chứng khoán toàn cầu đang giảm rất mạnh, kéo theo tâm lý lo ngại môi trường đầu tư tài sản rủi ro (như cổ phiếu) đang tăng lên.
Ngoài ra, giá chứng chỉ quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam cũng đang ở trạng thái discount so với NAV, cũng dẫn đến hoạt động bán ròng của khối ngoại tăng lên.
Tuần trước đa phần anh chỉ duy trì một vị thế nhỏ trong thị trường, thậm chí là đứng ngoài. Điều này đã giúp tránh thiệt hại đáng kể trong tuần này. Liệu quan điểm thận trọng ngắn hạn đó đã thay đổi hay chưa. Nếu có kế hoạch bắt đáy, anh dự kiến như thế nào, mức độ giải ngân ra sao?
Sau một thời gian đứng ngoài thị trường khá lâu, tôi đang bắt đầu quan tâm lại thị trường. Tôi nghĩ cơ hội sẽ đến nếu thị trường diễn ra những phiên bán tháo, margin hạ về mức đỡ rủi ro hơn và giá cổ phiếu ở vùng hấp dẫn hơn.
Theo VnEconomy