Quay lại

Với diễn biến khá tích cực của thị trường trước kỳ nghỉ, tất cả các chuyên gia đều đánh giá giống nhau về những chuyển biến đó.

Tuy nhiên, nhìn nhận các yếu tố tích cực đối với thị trường không có nghĩa rằng điểm giải ngân đã xuất hiện. Hành động của các chuyên gia hầu hết lại nghiêng về phía thận trọng.

Việc thị trường - hay đúng hơn là chỉ số VN-Index - phục hồi sau khi chạm tới ngưỡng 705 điểm được các chuyên gia xác nhận thị trường đã chạm tới vùng hỗ trợ khá mạnh, cũng như giao dịch đã bình ổn hơn.

Điều khiến sự thận trọng trong hành động vẫn còn, là mức phục hồi của chỉ số vẫn chỉ mang tính ngắn hạn, hoặc chỉ trong một nhịp điều chỉnh “sideway”, chỉ số có thể không vượt được ngưỡng kháng cự tâm lý 720 điểm và quay đầu giảm tiếp, mức điều chỉnh nhẹ cũng như mức phục hồi ở chỉ số chủ yếu do các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM tác động.

Tuần qua chỉ 2/5 chuyên gia thực hiện giải ngân thêm, trong đó duy nhất một người giải ngân với quy mô lớn, nâng tỷ trọng cổ phiếu lên 80% danh mục. Người còn lại chỉ giải ngân thăm dò. Các chuyên gia còn lại tiếp tục cắt giảm danh mục hoặc tạm thời đứng ngoài, chờ đợi điểm giải ngân chắc chắn hơn.

VN-Index đã có phiên kiểm tra lại mức đáy ngắn hạn tuần trước và đã phục hồi khá mạnh và cả tuần lại tăng điểm. Tuần trước anh nghiêng về khả năng thị trường có thể điều chỉnh sâu hơn. Vậy thị trường vẫn chưa tới đáy, hay quan điểm của anh có sự thay đổi nào không?

Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc chi nhánh Sài Gòn, Công ty Chứng khoán MBS

Theo quan điểm của tôi thì thị trường điều chỉnh là điều hết sức bình thường. Tuần rồi thực sự thị trường cũng đã chứng kiến nhiều phiên giảm điểm tương đối mạnh.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở các số trước, cách tính chỉ số Vnindex có 1 nhược điểm lớn đó là tính theo vốn hóa lớn. Do đó khi các “ông lớn” lên sàn như VJC, SAB, PLX, NVL… hay các trụ lớn hiện tại như VNM, BVH, MSN, VIC… đều sẽ tác động rất lớn tới chỉ số. Việc dự đoán xu hướng của thị trường căn cứ vào chỉ số chỉ mang tính tương đối.

Trong tuần qua, có thể nói VNM là cứu tinh của thị trường khi F&N liên tục mua vào, đạt gần 932 tỷ đồng trong tháng 4. Chính việc VNM liên tục tăng điểm đã khiến chỉ số không điều chỉnh quá sâu.

Sau các phiên giảm mạnh trong tuần qua, thì thị trường đã phục hồi khá mạnh. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ chúng ta có thể thấy, thị trường đã mang tính phân hóa rất cao. Mặc dù thị trường có phục hồi, nhưng thực sự chỉ những cổ phiếu thực sự có kết quả kinh doanh quí 1 hoặc dự kiến 2017 tốt thì mới thu hút dòng tiền, và đã tăng mạnh hơn thị trường chung rất nhiều như VNM MBB REE PDR…

Dựa vào diễn biến tuần vừa rồi, có thể thấy rằng thị trường đã qua giai đoạn khó khăn, và bức vào chu kỳ phục hồi với xu hướng bền vững hơn nhờ sự dẫn dắt bởi các cổ phiếu cơ bản tốt.

Trước nhiều biến động khó đoán, kể cả trong lẫn ngoài nước, nhưng dường như nhà đầu tư lại xem đó là cơ hội để mua. Với mức thanh khoản khá lớn tuần qua nhưng thị trường vẫn bình ổn, rõ ràng là nhà đầu tư đã không tỏ ra thận trọng như anh dự đoán, thậm chí còn mua bắt đáy, đuổi giá rất mạnh. Có thể nhìn nhận đây là dấu hiệu tích cực đối với tâm lý thị trường hay không?

Trước đây, chỉ cần 1 biến động nhỏ về vĩ mô cũng như chính trị thế giới, ngay lập tức nhà đầu tư sẽ “bán trước tính sau” để tránh rủi ro. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tôi nhận thấy tâm lý nhà đầu tư đã thay đổi theo hướng rất tích cực.

Với việc chính trị Việt Nam ổn định, môi trường đầu tư đang cải cách theo hướng thuận lợi, cùng với các yếu tố vĩ mô trong nước vẫn đang trong xu hướng tích cực và ổn định thì nhà đầu tư vẫn rất yên tâm khi đầu tư, và việc tận dụng thị trường điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu cho xu hướng dài hạn là điều hết sức bình thường. Và đây cũng chính là điểm tích cực dẫn dắt thị trường tăng trưởng bền vững hơn.

Thị trường sẽ có kỳ nghỉ 4 ngày với 2 phiên không giao dịch. Anh kỳ vọng thị trường sau kỳ nghỉ sẽ như thế nào, liệu có thể bùng nổ mạnh được không? Vì sao?

Trước đây, vào các dịp nghỉ lễ dài ngày, thị trường thường sẽ giao dịch với thanh khoản “èo uột”, xu hướng giảm hàng tránh margin vẫn là chủ đạo. Tuy nhiên, gần đây xu hướng đó dường như đã mất đi, nhà đầu tư chủ yếu nhìn nhận vào giá trị và triển vọng của doanh nghiệp, và họ sẵn sàn chấp nhận đánh đổi việc sử dụng margin miễn sao có thể tích lũy được các cổ phiếu tốt giá rẻ.

Trong kỳ nghỉ vừa qua, thị trường cũng đã đón nhận thông tin tích cực đó là:

  • Ngày 28/04/2017, Moody đã công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1 cho Việt Nam và thay đổi triển vọng từ ổn định lên tích cực. Cơ quan xếp hạng này cũng nâng trần xếp hạng trái phiếu và tiền gửi bằng đồng nội  tệ của Việt Nam từ Ba1 (hạng không đầu tư) lên Baa3 (hạng đầu tư). Sự thay đổi này chủ yếu đến từ:
    • Dòng vốn FDI đầu tư mạnh mẽ tiếp tục hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
    • Sự ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục được duy trì.
    • Nợ Chính phủ dự kiến sẽ duy trì ổn định quanh mức hiện tại.
  • Cơ quan xếp hạng tín dụng này cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,3%/năm đến năm 2019, gần gấp đôi so với bình của các nước với mức tín nhiệm B1 là 3,3%.
  • Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 4,8% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức bình quân 4,96% của quý 1/2017.
  • Đây là 2 thông tin rất tích cực cho thị trường, và theo tôi về mặt chỉ số có thể sẽ gặp kháng cự ở mốc 718.5-720 điểm, tuy nhiên, thị trường sẽ tăng điểm mang tính chất phân hóa rất cao, chỉ những cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 1 và triển vọng 2017 thực sự tốt mới thu hút được dòng tiền vào mạnh. Xu hướng chung thì thị trường vẫn sẽ tích lũy trong vùng 715-720 điểm đối với VN-Index.

3/5 phiên của tuần thị trường tăng điểm và hàng trăm cổ phiếu cũng tăng giá. Bắt đáy ngắn hạn cũng có lời, anh đã giải ngân chưa? Tỷ trọng như thế nào?

Trong tuần vừa qua, tôi cũng đã giải ngân vào các mã cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt như REE, VNM, CVT, và NLG. Tỷ trọng hiện tại là 80% cổ phiếu.

Theo VnEconomy

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang