Quay lại

Thị trường tăng tích cực tuần qua không hẳn với lý do chủ chốt sự kiện TPP...

Mặc dù vẫn có những ý kiến cho rằng thị trường tăng tích cực tuần qua không hẳn với lý do chủ chốt sự kiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng hoạt động mua vào vẫn được tiến hành.

Các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn đã có những thay đổi đáng chú ý trong chiến lược giao dịch. Mặc dù có phần thận trọng cao trong tuần trước, nhưng trước những thay đổi của thị trường tuần này, vị thế giao dịch cũng có những thay đổi phù hợp.

Đa số các chuyên gia đã tăng tỷ trọng sở hữu cổ phiếu lên trong tuần, với mức cao nhất 80%, mức thấp nhất là 70%. Duy nhất một chuyên gia chờ đợi cơ hội khi thị trường điều chỉnh.

Đánh giá về những tác động khiến thị trường chuyển biến trong tuần, các ý kiến đều thiên về nhận định câu chuyên TPP chỉ là chất xúc tác đúng thời điểm, giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư. Khi cơ hội lợi nhuận xuất hiện, tự khắc dòng tiền được lôi kéo vào thị trường.

Điều khá đặc biệt là các chuyên gia không đánh giá cao cơ hội ngắn hạn ở các cổ phiếu liên quan trực tiếp đến TPP mà cho rằng dòng tiền trên thị trường sẽ hướng đến những blue-chip cơ bản truyền thống hay các mã đầu cơ hàng đầu, đặc biệt là khi dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng dịch chuyển theo hướng này.

Thị trường đã chuyển biến tích cực hơn nhiều so với dự kiến của anh chị trong tuần trước và TPP là điểm then chốt. Đã có rất nhiều những bình luận về mặt tích cực và tiêu cực của TPP. Tuy nhiên từ góc độ thị trường, anh chị đánh giá thế nào về phản ứng của nhà đầu tư với sự kiện này?

Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, Chứng khoán MBS

Rõ ràng tâm lý của các nhà đầu tư đã lạc quan hơn rất nhiều từ sự kiện này trong ngắn hạn. Dễ thấy điều này qua điểm số tăng (trong tuần này, VN-Index và HNX Index lần lượt tăng 4,6% và 3,6%), đồng thời thanh khoản thị trường cũng được cải thiện đáng kể (tổng khối lượng khớp trên hai sàn đạt bình quân 180 triệu cổ phiếu/phiên, tăng mạnh so với giai đoạn trước đó).

Cùng lúc đó, thị trường chứng khoán thế giới phục hồi cũng tác động tích cực đến vệc khối ngoại qua trở lại mua ròng sau hai tháng bán ròng liên tục. Cụ thể, trong tuần vừa rồi, khối ngoại đã mua ròng 1.115 tỷ đồng, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận MBB, thì giá trị mua ròng cũng lên đến hơn 470 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cá nhân tôi thiên về hướng thận trọng hơn với thị trường tại đoạn này bởi để TPP được ký kết và thông qua cần khoảng 18 đến 24 tháng nữa (như phát biểu của đại diện Bộ Công Thương), chưa kể việc tham gia TPP bên cạnh những cơ hội lớn cũng có những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.

Phản ứng hiện nay chủ yếu là tâm lý hứng khởi trong ngắn hạn.  

Dòng vốn nước ngoài cũng đã đảo ngược tuần này, mua ròng trở lại với mức độ rất ấn tượng, thậm chí đã có những ý kiến gợi nhớ tới thời kỳ 2006. Điều này có tạo sự tin tưởng đối với anh chị hay không, nhất là khi VN-Index đã vượt ra khỏi vùng tích lũy kéo dài suốt tháng 9?

Rất khó để so sánh bởi bối cảnh hai thời điểm về cơ bản là khác nhau và các nhà đầu tư nước ngoài ở thời điểm 2006 chưa phải trải qua những thời điểm bất lợi kéo dài của thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Hơn nữa như tôi đã đề cập ở trên, sự kiện TPP diễn ra đồng thời với diễn biến thị trường chứng khoán thế giới hồi phục tương đối tích cực nên việc mua ròng của khối ngoại cũng chưa thể chắc chắn là chỉ do TPP và liệu có thể kéo dài đến bao giờ.

Đặt trong bối cảnh chung các dòng vốn đầu tư đang rút ròng khỏi các khu vực thị trường mới nổi/thị trường biên, tôi không quá lạc quan trước viễn cảnh khối ngoại sẽ kéo dài việc mua ròng tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Một điều khá thú vị đối với các cổ phiếu như dệt may, thủy sản, những cổ phiếu được cho là hưởng lợi lớn từ TPP, giá lại không mạnh mẽ bằng những cổ phiếu blue-chips khác. Tại sao vậy và dòng tiền đang hướng đến những cổ phiếu/nhóm cổ phiếu nào?

TPP là điểm bùng phát khi thị trường đã đi ngang tích lũy khá lâu trước đó. Một số cổ phiếu được dự báo hưởng lợi từ TPP (ví dụ nhóm cổ phiếu trong ngành dệt may), vốn đã tăng giá trước đó, đã được bán ra chốt lời khi tin về TPP xuất hiện.

Trong tuần này khối ngoại mua ròng nên cũng không khó hiểu khi nhóm cổ phiếu blue-chips có diễn biến tích cực, bởi dòng tiền khối ngoại thường ưu tiên nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, thanh khoản tốt.

Về cơ bản, nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp mạnh đầu ngành có kết quả kinh doanh tốt vẫn sẽ là nhóm được dòng tiền tìm đến nhiều nhất.

Anh chị có tham gia thị trường tuần này hay không, mức độ phân bổ vốn như thế nào?

Tôi đã không thực hiện mua vào trong bối cảnh thị trường tăng nhanh vì một sự kiện có tác động chủ yếu đến tâm lý trong ngắn hạn.

Tôi sẽ chờ đợi cơ hội ở một thời điểm khác khi thị trường điều chỉnh trở lại.

Theo VnEconomy

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang