Thị trường đã có những chuyển động khá tích cực nhưng các chuyên gia bắt đầu có phân hóa trong chiến lược giao dịch.
Nhận định thiên về kỹ thuật của các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn từ tuần trước đều đánh giá cao cơ hội bứt phá qua ngưỡng 600 điểm của chỉ số VN-Index. Tuy nhiên khi kết quả đã được xác nhận, bắt đầu xuất hiện những quan điểm thận trọng hơn.
Việc vượt 600 điểm chỉ là một chuyển biến để đưa thị trường đi vào vùng kháng cự mạnh hơn và các chuyên gia cho rằng đó là thời điểm cần thận trọng. Góc nhìn kỹ thuật khá thống nhất về những rung lắc mạnh sẽ xảy ra khi thị trường tiến cao hơn, thậm chí là rủi ro điều chỉnh ngắn hạn.
Góc nhìn cơ bản hơn cho rằng các nhóm cổ phiếu sẽ tăng luân phiên trong thời gian tới, hơn là xuất hiện một đợt tăng ồ ạt. Quan điểm thận trọng nhất đánh giá kết quả kinh doanh quý 3 không thực sự tốt, mặc dù yếu tố ngoại có thể tiếp tục hỗ trợ thị trường.
Những chiến lược thận trọng đã không tăng vị thế cổ phiếu trong tuần qua, nhưng vẫn có các giao dich mua chọn lọc với tỷ trọng cao nhất tới 100%. Tuy nhiên vị thế cổ phiếu có thể được giảm xuống đối với các giao dich ngắn hạn khi thị trường tiến tới vùng kháng cự mạnh trong tuần tới.
Rốt cục thì đã có thể thở phào khi suốt 4 phiên đầu tuần vật vã cũng đem lại kết quả là VN-Index vượt được 600 điểm trong ngày cuối tuần. Như vậy dự kiến của anh chị được kiểm nghiệm khá chính xác. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là tuần trước anh chị không kỳ vọng quá lớn vào nhịp tăng này. Vậy thị trường lại đang tiến vào vùng canh bán hay có thể kỳ vọng vào đỉnh cao hơn, chẳng hạn 630 điểm?
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, CT Chứng khoán MB
Thị trường có thể vẫn sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn nhưng tôi không kỳ vọng đà tăng này là bền vững bởi lẽ thực tế trong số những doanh nghiệp mà chúng tôi theo dõi, kết quả kinh doanh quý 3 thực sự không phải là quá tốt, lợi nhuận sau thuế không thay đổi nhiều so với cùng kỳ.
Trong khi đó, thị trường thế giới cũng ở trình trạng tương tự, chứng khoán Mỹ tăng trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp cũng không có gì là ấn tượng (tăng trưởng lợi nhuận quý 3 các doanh nghiệp trong rổ chỉ số S&P 500 suy giảm).
Có thể yếu tố nước ngoài mua ròng sẽ giúp thị trường vẫn giữ được nhịp tăng, nhưng tôi cho rằng nhiều khả năng thị trường đang tiến vào vùng canh bán hơn là sẽ tiếp tục bứt phá, dựa trên yếu tố cơ bản là tăng trưởng lợi nhuận không lạc quan như phân tích ở trên.
Ảnh hưởng của thông tin kết quả kinh doanh là rất rõ trong tuần này, tạo sự phân hóa về giá có thể nhìn thấy được, thậm chí là phân hóa giữa hai sàn. Những con số đẹp đã dẫn đến những biến động tăng giá rất tốt nhưng cũng có nhiều mã không tăng được ngay cả khi lợi nhuận vượt kế hoạch. Có vẻ như bữa tiệc thịnh soạn nhất về kết quả kinh doanh đã được bày ra. Liệu tác động của những thông tin này có suy giảm trong thời gian tới?
Nhà đầu tư hiện nay đã tỉnh táo và chuyên nghiệp hơn, họ đánh giá kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ dựa trên việc so sánh với kế hoạch (đôi khi được đặt ở mức thấp) mà so sánh với kỳ vọng thị trường, mặt bằng giá và tiềm năng tăng trưởng thời gian tới.
Chiến lược tuần trước của anh chị chủ yếu là thận trọng, duy trì tỷ trọng thấp hoặc cân đối, đồng thời canh bán ra trong tuần này. Vậy hoạt động giao dịch thực tế có bám sát kế hoạch đó hay không, mức độ phân bổ vốn hiện tại là bao nhiêu?
Tôi tiếp tục đứng ngoài thị trường.
Theo VnEconomy