Mặc dù đa số các chuyên gia đánh giá tích cực về sức mạnh của thị trường trong tuần tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs, nhưng hoạt động mua lại rất hạn chế.
Hơn 6.000 tỷ đồng đã tham gia giao dịch trong phiên cuối tuần trước và giao dịch đặc biệt sôi động ở các cổ phiếu có quỹ ETFs bán ra, nhưng các chuyên gia lại không chọn mua vào. Tỷ trọng giải ngân vẫn được duy trì tương tự tuần trước.
Mặc dù chưa mua thêm nhưng các chuyên gia lại đánh giá cao triển vọng thị trường trong thời gian tới khi các yếu tố ảnh hưởng xấu như FED tăng lãi suất, giao dịch bán của các quỹ ETFs đã chấm dứt. Quan điểm thận trọng nhất quan ngại khả năng sử dụng margin cao phiên giao dịch 6.000 tỷ đồng, nên thị trường vẫn có thể tích cực nhưng có khả năng sẽ là nhịp tăng cuối.
Đánh giá về sức mạnh thị trường trong những phiên tới, các chuyên gia đều kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý 1/2017 và quan tâm nhiều hơn tới các cổ phiếu blue-chip.
Thị trường đã có ngày cuối tuần chao đảo dữ dội trước các giao dịch của các quỹ ETF. Kỳ tái cơ cấu này có nhiều bất ngờ, từ việc thêm vào cổ phiếu vi phạm tiêu chí tới việc mua qua thỏa thuận lớn. Theo anh tại sao các quỹ này lại có nhiều thay đổi bất nhờ như vậy? Có khả năng nào các công ty chứng khoán đã giao dịch giúp quỹ ETF hay không?
Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc chi nhánh Sài Gòn, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Chúng ta đều biết quỹ ETF là quỹ mở và đầu tư theo chỉ số Index nên các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, có tỷ lệ “floating” cao và đảm bảo tính thanh khoản đều có cơ hội lọt vào danh mục của quỹ này. Mặc dù quỹ hoạt động dựa trên những nguyên tắc cố định và công khai nhưng không phải là không có những ngoại lệ.
Việc quỹ này bất ngờ thêm NVL vào danh mục với tỷ trọng cao sau đó mua vào với số lượng rất ít, đồng thời thay đổi cách thức giao dịch từ mua bán qua sàn sang một phần giao dịch thỏa thuận đã làm thay đổi cơ bản cuộc chơi, khiến việc lướt sóng theo kế hoạch cơ cấu của ETF trở nên khó lường hơn bao giờ hết.
Riêng việc các công ty chứng khoán có giao dịch giúp quỹ ETF hay không tôi không có nhiều thông tin nên không thể trả lời chính xác trường hợp này.
Thị trường cuối cùng cũng vượt qua được một tuần gia khó với FED tăng lãi suất, ETF tái cơ cấu. Liệu sau đây thị trường đã “nhẹ gánh” hơn chưa? Anh đánh giá triển vọng thị trường như thế nào?
Quan điểm của tôi vẫn cho rằng thị trường đã vào một “trend” tăng trưởng trung và dài hạn, kéo dài khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, trong sóng tăng dài hạn này, chắc chắn sẽ có những đợt điều chỉnh và tích lũy.
Hiện tại, FED đã tăng lãi suất xong và ETF cũng hoàn thành tái cơ cấu danh mục, tuy nhiên các thông tin hỗ trợ cho thị trường hiện nay không nhiều. Vì vậy, rất khó để thị trường tạo được sự đột phá từ đây tới cuối tháng 3. Điểm phục hồi có thể rơi vào tháng 4 khi các thông tin hỗ trợ xuất hiện nhiều hơn khi hàng loạt các doanh nghiệp tiến hành tổ chức Đại hội cổ đông và công lợi nhuận quý 1 cũng như chia cổ tức của năm 2016.
Điều được chờ đợi duy nhất còn lại lúc này có lẽ là các thông tin kết quả kinh doanh quý 1/2017. Anh có thay đổi gì trong việc đánh giá triển vọng lợi nhuận của các nhóm cổ phiếu hay không, nhưng nhóm cổ phiếu nào nên được ưu tiên?
Theo dự báo của các chuyên gia MBS thì lợi nhuận toàn thị trường năm nay có thể tăng trưởng từ 12-15%, trong đó các ngành như xây dựng, vật liệu xây dựng, dịch vụ, tiêu dùng, tài chính ngân hàng và logistic sẽ có mức tăng trưởng cao nhất.
Hiện tại, chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng lợi nhuận trong năm 2017 và đây là tiền đề để thị trường tiếp tục tăng trưởng bền vững.
Sức cầu đối ứng với giao dịch ETF là rất lớn, giúp giá trị giao dịch lên tới hơn 6.000 tỷ đồng ngày cuối tuần. Anh có mua vào hôm đó hay không, mức giải ngân như thế nào?
Tôi không có thói quen giao dịch theo các quỹ ETF và chỉ tập trung vào danh mục cố lõi của mình. Tuần rồi tôi vẫn chưa quyết định giải ngân trở lại sau giai đoạn chốt lời cách đây khoảng 3 tuần.
Tôi cần quan sát thêm và theo dõi chặt các cổ phiếu nằm trong “watch list”, có thể điểm mua tốt sẽ rơi vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4.
Theo VnEconomy