Quay lại

Thị trường vận động bám sát những phân tích của các chuyên gia trong tuần trước, nhưng vẫn chưa đủ yên tâm về đáy ngắn hạn ở 760 điểm.

Thị trường tuần qua đã có 3/5 phiên phục hồi sau khi VN-Index không để mất ngưỡng 760 điểm lần thứ hai trong vòng 2 tuần. Điều này đã được các chuyên gia phân tích trước đó. Với các diễn biến tích cực về cuối tuần, các chuyên gia tiếp tục kỳ vọng đáy ngắn hạn sẽ được thiết lập ở mức 760 điểm.

Tuy nhiên các chuyên gia vẫn chờ đợi các tín hiệu rõ ràng hơn của việc tạo đáy, chẳng hạn sự kiểm định lại mức hỗ trợ một lần nữa, thanh khoản gia tăng tốt hơn, thời gian tích lũy cần đủ dài…

Các chuyên gia cũng đặt nhiều kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này đã có mức tăng trưởng khá tốt trên cơ sở yếu tố hỗ trợ mới xuất hiện liên quan đến việc sửa đổi Thông tư 36.

Đánh giá về triển vọng ngắn hạn, các ý kiến đều thống nhất khả năng tăng cao thêm trong những phiên đầu tuần, trước khi thị trường gặp kháng cự mạnh hơn quanh mức 780 điểm.

Lần thứ hai trong vòng 2 tuần, VN-Index lại không để mất ngưỡng 760 điểm mà anh đã nói tới. Thị trường bùng nổ khá mạnh những ngày cuối tuần với thanh khoản bắt đầu tăng cao. Theo anh khả năng chạm đáy như vậy đã đáng tin cậy chưa?

Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc chi nhánh Sài Gòn, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Trong tuần vừa qua, VN-Index đã nhiều lần kiểm ngưỡng hỗ trợ 760 và đã thành công khi luôn đóng cửa trên ngưỡng này. Điều này có thể cho thấy, thị trường đã chạm “đáy ngắn hạn”.

Tuy nhiên, với thanh khoản khá thấp, thì cũng chưa thể hoàn toàn yên tâm về “đáy ngắn hạn” này.

Tuần trước anh cũng đề cập đến khả năng phục hồi, nhưng lại không đánh giá cao khả năng kiến tạo một sóng tăng mới do thiếu thông tin hỗ trợ thực sự đủ lớn. Liệu đã có thông tin nào mới đủ khiến anh cảm thấy tự tin cho một xu hướng mới hay chưa? Thị trường sẽ diễn biến theo kịch bản nào trong tuần tới?

Như tôi đã từng đề cập, tôi vẫn đánh giá rất cao nhóm ngân hàng sẽ trở thành nhóm dẫn dắt thị trường tạo nên 1 sóng lớn vào cuối quý 3-4 của năm nay.

Nếu để ý, chúng ta mới chỉ thấy nhóm bank đóng góp 2 vai trò, 1 là hỗ trợ kéo chỉ số giúp thị trường trong các phiên khó vượt đỉnh, 2 là hỗ trợ thị trường tại các phiên gãy hỗ trợ để giúp cho chỉ số không giảm quá sâu. Từ đầu năm, ngoài ACB và MBB là bứt phá mạnh mẽ lên 1 tầm cao mới, còn hầu hết các mã ngân hàng khác đều chỉ có mức tăng rất nhỏ, chưa đủ để làm nên cái gọi là “ Sóng bank”.

Nếu nhìn tổng thể các nhóm ngành ở thời điểm hiện tại, thì nhóm bất động sản đang đối mặt với hiện tượng dư cung sẽ gây sức ép lên lợi nhuận. Nhóm dầu khí thì vẫn chưa khả quan khi giá dầu liên tục trồi sụt. Nhóm chứng khoán thì không đủ “size” để nhà đầu tư lớn có thể tham gia. Do đó, tôi tin rằng nhóm “bank” (ngân hàng) là nhóm duy nhất hội đủ các yếu tố để giúp thị trường vươn tới các đỉnh cao trong thời gian tới.

Thông tin tôi nghĩ là sẽ tác động tích cực và đang chờ đợi, đó chính là kết quả áp dụng nghị quyết xử lý nợ xấu cũng như hiệu quả từ việc nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên 21% vào kết quả kinh doanh trong thời gian tới của các ngân hàng.

Thứ 6 vừa rồi, 2 quỹ ETF đã chốt số liệu để tính toán cho đợt đảo danh mục quý 3. Trước mắt, FTSE sẽ công bố danh mục vào ngày 1/9, và tiến hành đảo danh mục trong 2 tuần, sau đó sẽ tới lượt VNM ETF công bố danh mục vào 8 /9, và tiến hành đảo danh mục trong 2 tuần. 2 quỹ sẽ kết thúc đợt đảo danh mục quý 3 vào ngày 15.9.

Thông thường, trong các ngày diễn ra việc đảo danh mục của các ETFs thị trường sẽ chững lại, sau đó mới tiếp tục xu hướng đã tạo trước đó. Chính vì vậy, theo tôi, trong tuần tới, thị trường sẽ tiếp tục đà phục hồi với thanh khoản ở mức thấp, tiền vẫn sẽ chỉ tập trung vào số ít các cổ phiếu có tin hỗ trơ tốt như nhóm cổ phiếu thép hoặc 1 số cổ phiếu có dự kiến kết quả kinh doanh quý 3 tốt.

Thị trường chứng khoán Mỹ đang xuất hiện nhiều lo ngại về khả năng đạt đỉnh. Theo anh nếu điều này thực sự xảy ra, liệu có tác động tiêu cực tới thị trường trong nước?

Thị trường chứng khoán Mỹ đã liên tục chinh phục các đỉnh cao mới kể từ khi ông Trump dành chiến thắng, tuy nhiên, với các chính sách hiện tại của ông Trump lại thực sự khiến các nhà đầu tư lo lắng về khả năng thị trường chứng khoán Mỹ tạo đỉnh và bắt đầu điều chỉnh mạnh.

Nếu điều này thực sự xảy ra, quan điểm của tôi thì sẽ không tác động quá tiêu cực tới thị trường Việt Nam, bởi vì tính từ đầu năm, mặc dù đã duy trì 1 đợt tăng kéo dài, tuy nhiên mức độ tăng là chưa thực sự lớn, mặt khác, các chính sách vĩ mô của chính phủ vẫn đang ở mức ổn định và đang tác động tích cực vào thị trường.

Thêm nữa, Việt Nam đang đứng trước 1 cơ hội rất lớn đó là được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, nên trước mắt cơ hội cho nhà đầu tư trên thị trường vẫn còn rất nhiều. Do đó, giả sử thị trường chứng khoán Mỹ tạo đỉnh và đi xuống thì thị trường Việt Nam cũng chỉ bị tác động tâm lý mang tính chất ngắn hạn mà thôi. Về dài hạn, nó vẫn sẽ tiếp tục vận động trong 1 uptrend kéo dài trong khoảng ít nhất 2 năm tới.

Thanh khoản bắt đầu tăng mạnh trở lại trong vài phiên cuối tuần chứng tỏ nhà đầu tư đã tham gia mua nhiều hơn. Anh đã gia tăng vị thế cổ phiếu lên hay chưa, mức phân bổ bao nhiêu? Nếu có tham gia phái sinh, vị thế của anh như thế nào?

Với thanh khoản khá thấp như hiện tại, thì tôi vẫn rất tự tin cho các cơ hội riêng lẻ nằm ở các cổ phiếu có tin hỗ trợ hoặc có dự báo kết quả kinh doanh quý 3 tốt như nhóm cổ phiếu thép (HSG,HPG), cổ phiếu ngân hàng (MBB, ACB, CTG). Do đó, tôi đã gia tăng vị thế cổ phiếu lên, mức phân bổ là 70/30 đối với cổ phiếu/tiền mặt.

Theo tôi, trong xu thế thanh khoản đang ở mức thấp, thì các phiên điều chỉnh giảm vẫn sẽ là cơ hội để tích lũy cổ phiếu tốt, nếu có 1 phiên nào đó thanh khoản bật tăng mạnh, có thể trên 5.000 tỷ, thì theo tôi đó là báo hiệu cho đợt phục hồi đã kết thúc trừ trường hợp có tin tức hỗ trợ cực tốt cho thị trường.

Với việc chỉ số VN30 đang cao hơn hợp đồng VN30F1709 thì vị thế Long VN30F1709 là vị thế tốt nên tôi đang giữ vị thế này.

Theo VnEconomy

 

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang