Sau khi đồng loạt mua vào tuần trước, tuần này các giao dịch giảm cổ phiếu và quan điểm thận trọng đã quay lại.
Hiện tượng thị trường trồi sụt quanh ngưỡng 600 điểm trong tuần trước kỳ nghỉ lễ được các chuyên gia đánh giá là bình thường tại ngưỡng kháng cự tâm lý. Tuy nhiên, thay vì quan điểm lạc quan mạnh mẽ như tuần trước, các ý kiến lại nghiêng hẳn về phía thận trọng. 3/5 chuyên gia nghĩ rằng thị trường sẽ gặp khó khăn tại vùng 600 điểm, mặc dù có thể có thêm một vài phiên tăng, nhưng rủi ro điều chỉnh sau đó là cao.
Sự thận trọng phản ánh rất rõ trong hoạt động giao dịch. Chỉ duy nhất một chuyên gia thực hiện giao dịch mua mới trong tuần qua, còn lại chủ yếu là cắt giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu cũng như giữ nguyên vị thế. Việc không mua mới và chờ đợi biến động cụ thể của thị trường để hành động, đồng thời sẵn sàng chốt lời khi giá tăng cao hơn cũng phù hợp với quan điểm lo ngại hiện tượng “Sell in May”.
Mặc dù vậy, 2/5 chuyên gia vẫn cho rằng thị trường còn dư địa để tăng tiếp do các tín hiệu hiện tại vẫn chưa cho thấy rủi ro sụt giảm mạnh.
Kể cả khi có sự bất ngờ trong ngày cuối tuần, VN-Index vẫn chưa thể vượt được 600 điểm, khép lại một tuần trồi sụt khá nhiều. Tuần trước anh cũng dự kiến chỉ số lên quanh ngưỡng này. Liệu những ngày qua có phải là những vận động giống như giai đoạn 580 điểm và có thể kỳ vọng vào một sự bứt phá cao hơn?
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Việc VN-Index có một phiên tăng mạnh tuần trước để bứt hẳn qua 580 điểm đã tạo một mức lợi nhuận khá cao cho nhiều mã (chủ yếu là các mã blue-chips) và cần một số phiên để thị trường có thể hấp thụ lượng cung chốt lời của các mã này.
Tôi cho rằng diễn biến điều chỉnh và tăng giá ở nhóm cổ phiếu blue-chips vẫn tích cực, đặc biệt là giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài ủng hộ thị trường có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường vẫn có thể tiếp tục duy trì xu hướng tăng.
Sau khi VN-Index bứt phá qua được 580 điểm và lên sát 600 điểm, khá nhiều cổ phiếu đã đem lại lợi nhuận tốt nhưng cũng không ít cổ phiếu hầu như không tăng. Anh đánh giá những cổ phiếu/nhóm cổ phiếu nào có triển vọng mạnh nhất vào lúc này?
Để thị trường bứt phá qua ngưỡng kháng cự, động lực chính đến từ nhóm ngân hàng, tài chính bên cạnh các blue chips như VNM, VIC, MSN.
Sau khi VN-Index vượt 580 điểm, đà tăng đã lan tỏa sang nhiều nhóm cổ phiếu khác nhưng mức tăng đều thấp hơn mức tăng chung của thị trường.
Theo tôi thị trường đang gặp ngưỡng kháng cự mới và nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính tiếp tục được kỳ vọng giúp thị trường vượt qua ngưỡng này.
Hiện đang tồn tại hai quan điểm trái ngược nhau, một là kỳ vọng vào nhịp bứt phá mới sau kỳ nghỉ và ngược lại là quan điểm lo ngại thị trường lặp lại thông lệ “bán tháng Năm” và có thể thấy một bên thì chốt lời và một bên đang tăng tích lũy cổ phiếu. Anh nghiêng về quan điểm nào và liệu năm nay thị trường có trái với “thông lệ” bán tháng Năm hay không? Điều gì có thể tạo ra sự khác biệt đó?
Hiện nay các tín hiệu thị trường vẫn chưa cho thấy một nhịp giảm mạnh. Thông lệ “bán tháng Năm” có thể vẫn đúng nhưng có thể thời điểm sẽ rơi vào cuối tháng Năm sau khi thị trường tạo đỉnh trong tháng này.
Tuần trước anh đã mua vào với tỷ trọng tương đối cao. Trước những biến động mạnh gần ngưỡng 600 điểm, anh có thực hiện giao dịch mới? Mức độ phân bổ vốn hiện tại như thế nào?
Thực tế cho thấy khi thị trường chung vẫn giữ nhịp tăng và chưa có dấu hiệu tạo đỉnh, cơ hội cho việc chọn cổ phiếu phù hợp vẫn tiếp tục mang lại hiệu quả. Tôi đã tăng trạng thái 100% cổ phiếu vào những cơ hội như vậy.
VnEconomy