Khác với sự lạc quan đa số của tuần trước, các chuyên gia đã tỏ ra thận trọng hơn trong ngắn hạn, sau những diễn biến mới.
Thị trường tuy phản ứng đúng với các phân tích dự báo trong tuần trước và đăng gặp khó khăn trong ngắn hạn, nhưng các chuyên gia vẫn chuyển sang trạng thái thận trọng hơn, thể hiện bằng hành động giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục xuống.
Mặt bằng thông tin trên thị trường tuần qua cũng xuất hiện nhiều thông tin được cho là bất lợi. Tuy nhiên, các chuyên gia không tỏ ra lo ngại trước những thông tin như vậy vì tác động của thông tin đối với các yếu tố cơ bản là không đáng kể và chỉ ảnh hưởng ngắn hạn khi có thể dự báo trước.
Đa số các chuyên gia vẫn cho rằng thị trường đang trong một xu thế tăng nhưng với những diễn biến mới, khả năng sẽ xuất hiện biến động mạnh và không loại trừ những phiên điều chỉnh mạnh do tâm lý thận trọng tăng lên và chủ động giảm đòn bẩy.
Các chuyên gia cũng đồng loạt giảm tỷ trọng cổ phiếu trong tuần qua ở mức độ khác nhau. Tỷ trọng nắm giữ cao nhất là 90% cổ phiếu và thấp nhất là 100% tiền mặt. Tuy nhiên vẫn có các kế hoạch giải ngân khi thị trường điều chỉnh về mức hỗ trợ tốt hơn.
Thị trường tuần này quả thực đã chủ đạo là dao động tích lũy như những gì anh dự kiến trong tuần trước. Tuy nhiên có những ngày thị trường biến động mạnh khác thường và thanh khoản thì đang giảm dần rõ rệt. Không ít nhà đầu tư đang lo ngại hiện tượng suy kiệt về thanh khoản. Anh đánh giá sức mạnh của tuần tích lũy này có ổn về mặt kỹ thuật?
Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc chi nhánh Sài Gòn, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Tuần vừa qua, thị trường đã biến động theo hướng không được tích cực. Theo quan sát, thì nhìn chung hiện tượng “ xanh vỏ đỏ lòng“ là phổ biến. Một số cổ phiếu lớn đã có dấu hiệu phân phối, thông thường thị trường sẽ có độ trễ 1-2 tuần so với nhóm cổ phiếu này.
Đặc biệt, trong 2 tuần tới 2 quỹ ETF lớn sẽ tiến hành đảo danh mục, việc này sẽ gây áp lực lớn lên thị trường. Thông thường trong mỗi kỳ đảo danh mục của các ETF thì thị trường sẽ chững lại để quan sát hơn là hào hứng đẩy giá. Do đó, tôi chuyển sang trạng thái “thận trọng” trong ngắn hạn.
Thị trường không còn nhóm cổ phiếu nào dẫn dắt thực sự. Các mã ngân hàng đã không được tốt như kỳ vọng của anh trong tuần trước. Các cổ phiếu lớn như VNM, SAB, ROS cũng không ổn định. Anh đặt kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu nào sẽ đưa VN-Index lên đỉnh cao mới?
Khi phân lớp các cổ phiếu theo dõi, thì ngoài nhóm ngân hàng thì hiện tại tôi vẫn chưa thấy nhóm cổ phiếu nào đủ để dẫn dắt thị trường lên đỉnh cao mới.
Vừa qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức hội nghị nội bộ thông báo một số kết luận của Bộ Chính trị sau hội nghị Trung ương 5 vừa rồi. Trong đó nổi bật là thông tin Nhà nước vẫn sẽ nắm chi phối không dưới 65% vốn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước và cho phép các ngân hàng giữ lại cổ tức.
Điều này cũng sẽ tác động tích cực, giúp cho các ngân hàng thương mại nhà nước có thêm vốn trước thềm thực hiện Basel 2 (không tích cực cho CTG, do tỷ lệ Nhà nước đã <65% nên cơ hội nới room đối với CTG là không thể thực hiện).
Cùng với đó, dự kiến ngày 21/6 dự kiến quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết xử lý nợ xấu, nếu được thông qua sẽ có tác động rất tích cực đối với nhóm ngân hàng.
Vì vậy, theo tôi, nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện tại sẽ đi vào trạng thái tích lũy và chờ thời điểm bùng nổ dẫn dắt chỉ số. Các cổ phiếu tôi quan tâm bao gồm MBB, BID, SHB, ACB.
Bắt đầu xuất hiện một số thông tin không mấy tích cực cho thị trường, từ yếu tố nội tại như lượng margin rất lớn, tới những yếu tố bên ngoài như tỷ giá tăng, chỉ số PMI giảm tốc, giá dầu giảm, khả năng FED tăng lãi suất trong vài tuần tới. Theo anh những thông tin đó có ảnh hưởng đáng ngại hay không?
Theo quan điểm của tôi, lượng margin trên thị trường chưa thực sự đáng lo ngại, bởi vì hiện các công ty chứng khoán đều đã chuẩn bị nguồn lực lớn khi thanh khoản thị trường đã bước sang “level” mới, đạt mức rất cao so với trước đây, và hiện chưa có công ty nào xảy ra tình trạng hết hạn mức như trong quá khứ.
Việc tỷ giá tăng thì cũng chưa hẳn là tiêu cực, vì với cơ chế điều tiết qua tỷ giá trung tâm rất linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước sẽ không làm tỷ giá thực tế tăng quá nhiều. Tương tự, PMI đã giảm từ 54,1 điểm của tháng trước xuống 51,6 điểm trong tháng 5/2017, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2016, tuy nhiên điều này chỉ là dấu hiệu cảnh bảo tốc độ tăng sản xuất của ngành sản xuất trong nước đã chậm lại chứ chưa thể khẳng định ngành sản xuất đã đi vào suy thoái.
Vì vậy, chúng ta nên tiếp tục theo dõi diễn biến PMI trong các tháng tiếp theo để đưa ra nhận định chính xác hơn. Việc giá dầu giảm hay FED tăng lãi suất đều là việc đã được dự báo trước, nên việc tác động sẽ không quá tiêu cực.
Thị trường đã có các phiên biến động rất mạnh trong tuần. Anh có ứng xử thế nào cho danh mục của mình không?
Như đã nói ở trên, mặc dù vẫn lạc quan về xu hướng uptrend dài hạn, nhưng trong ngắn hạn tôi đã đưa ra quan điểm thận trọng trong ngắn hạn. Vì vậy, trong tuần tôi đã chủ động cắt lượng margin đang dùng, và tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu, chỉ giữ lại danh mục cổ phiếu cho trung và dài hạn.
Theo VnEconomy