Bất ngờ là việc VN-Index bứt phá thành công qua ngưỡng 600 điểm lại tạo sự phân hóa mạnh mẽ trong đánh giá cơ hội/rủi ro.
VN-Index tuần qua đã có sự bứt phá khá tốt khi đóng cửa trên 607 điểm, vượt xa ngưỡng tâm lý 600 điểm vốn gặp rất nhiều khó khăn trước đó. Việc bứt phá thành công này đáng lẽ tạo được sự đồng thuận thì các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn lại thể hiện sự xung đột trong quan điểm.
Quan điểm tích cực nhìn nhận thị trường đang tích lũy để chờ đợi một sự bứt phá mạnh mẽ và rõ rệt hơn dù trong ngắn hạn có thể đi ngang. Điều này tác động mạnh lên chiến lược giao dịch được ưa thích là mua và nắm giữ.
Ngược lại, quan điểm thận trọng đáng giá rất thấp khả năng bứt phá của thị trường khi mà áp lực chốt lời sẽ tiếp tục tăng và dòng vốn thiếu sức mạnh. Điều khá bất ngờ là quan điểm đối nghịch này khẳng định chiến lược mua và nắm giữ cũng không đem lại lợi nhuận tốt.
Các xung đột trong đánh giá thị trường cũng dẫn đến những hoạt động giao dịch đối nghịch: những chuyên gia thận trọng đều thực hiện giảm tỷ trọng xuống, trong khi những người lạc quan đã tăng mua hoặc thực hiện đảo trạng thái.
Một tuần khá vất vả với 3 phiên giảm 2 phiên tăng nhưng cuối cùng VN-Index cũng vượt lên cao hơn và hướng tới ngưỡng 610 điểm. Tuy nhiên có thể thấy thanh khoản sau khi thị trường bứt phá lên cao hơn lại đang giảm dần. Tại sao thị trường lại không bùng nổ một cách rõ ràng như vậy, còn yếu tố nào khác hay chỉ đơn giản là VN-Index đi vào vùng kháng cự mạnh như anh đã dự đoán?
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, CT Chứng khoán MB
Thị trường không bùng nổ là do dòng tiền yếu (thanh khoản suy giảm với giá trị giao dịch phiên gần nhất chỉ tương đương 80% so với phiên liền trước).
Thật ra nếu tính từ đáy thấp nhất của VN Index là 511 điểm vào ngày 25/8, đến nay thị trường đã tăng đến gần 20%, nên việc nhà đầu tư không kỳ vọng thị trường vẫn tiếp tục tăng mạnh từ mức này là điều có thể hiểu được tại thời điểm này.
Có lẽ thị trường cần một động lực đủ mạnh để tiếp tục bứt phá, nhưng hiện giờ những động lực như vậy là chưa rõ ràng.
Các nhóm cổ phiếu đã thực sự luân phiên tăng trong tuần như phân tích từ tuần trước, nhưng cũng dẫn đến một hệ quả là rất khó để giao dịch đúng nhịp, đúng cổ phiếu. Từ vị thế của chính mình, anh đánh giá cơ hội lợi nhuận lúc này như thế nào? Đâu là những nhóm/cổ phiếu có thể đem lại lợi nhuận tốt nhất trong ngắn hạn?
Cũng như thị trường chung hiện nay, các mã cổ phiếu cũng không tăng liên tục như các đợt tăng điểm lần trước nhưng có thể thấy các cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt đều tăng điểm đều đặn dù xen giữa có các phiên điều chỉnh.
Nhóm cổ phiếu có kết quả tốt từ đầu năm đến nay và dự báo tiếp tục khả quan cuối năm sẽ là nhóm đã và sẽ có thể mang lại lợi nhuận nếu thị trường thuận lợi, mặc dù tại thời điểm này, cơ hội tăng mạnh là tương đối khó khăn.
Từ góc độ kỹ thuật, anh có đánh giá cao triển vọng VN-Index bứt phá lên cao hơn nữa hay không? Đâu sẽ là động lực của thị trường trong kịch bản này?
Trước diễn biến không thuận lợi của dòng tiền (nhìn chung là tương đối yếu), tôi không kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục bứt phá cao hơn nhiều từ mức này.
Hiệu quả giao dịch hay nắm giữ danh mục của anh tuần vừa rồi như thế nào? Anh thực hiện điều chỉnh danh mục ra sao, mức độ phân bổ vốn hiện tại là bao nhiêu?
Tôi tiếp tục đứng ngoài thị trường.
Theo VnEconomy