Việc VN-Index không bứt phá qua được ngưỡng 630 điểm trong tuần đã tạo nên sự xung đột trong quan điểm ngắn hạn.
Đánh giá về sức mạnh thị trường trong tuần, các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn nghiêng về quan điểm có khả năng xảy ra những điều chỉnh ngắn hạn. Tuy nhiên quan điểm tích cực chú ý nhiều hơn vào yếu tố luân chuyển dòng tiền trên thị trường và các nhóm cổ phiếu luân phiên tăng giá.
Các quan điểm thận trọng hơn để ngỏ khả năng thị trường điều chỉnh khi đối diện với vùng kháng cự mạnh trong khoảng 630-640 điểm. Điều khiến các chuyên gia lo ngại là một số nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã có mức tăng khá mạnh nên khả năng bứt phá không còn nhiều trong khi nguy cơ điều chỉnh lại lớn hơn.
Tuy nhiên điểm chung trong các nhận định, dù là thận trọng hay lạc quan thì đều nhìn nhận một nhịp điều chỉnh nếu xảy ra thì cũng là bình thường và tốt cho xu thế tăng dài hạn hơn.
Phù hợp với nhận định nói trên, các danh mục đầu tư vẫn được duy trì trong tuần này, thậm chí còn được tăng thêm. Tỷ lệ phân bổ vốn thận trọng nhất là 30/70, và cao nhất là 100% cổ phiếu.
Đã có những biến động rất mạnh trong tuần này, chẳng hạn như phiên điều chỉnh ngày 8/7 rồi phục hồi mạnh vào ngày cuối tuần. Tuy thế tuần này VN-Index không thể chinh phục được ngưỡng 630 điểm. Liệu anh chị vẫn giữ niềm tin vào sức mạnh của thị trường?
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, Chứng khoán MB (MBS)
Tôi vẫn giữ quan điểm thị trường đang đi ngang (sideways) từ tuần trước và hiện tại tôi cho rằng thị trường khó có khả năng tăng mạnh hơn nữa, trong khi đó rủi ro đang tăng dần.
Thị trường đang có các yếu tố hỗ trợ như dòng vốn nước ngoài vẫn duy trì, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng của một loạt các ngân hàng… Tuy nhiên, yếu tố rủi ro hiện tại là một số mã cổ phiếu ngân hàng đầu ngành đã ở vùng quá mua ngắn hạn nên khó có khả năng tiếp tục bức phá mạnh mẽ.
Trong khi đó các thị trường chứng khoán thế giới gần đây đều đã lần lược tạo đỉnh và điều chỉnh giảm. Thị trường Việt Nam đã đi ngược xu hướng của thị trường chứng khoán thế giới 1 tháng nay (nhờ dòng vốn ngoại được duy trì tích cực), tuy nhiên tôi cho rằng khó có thể duy trì được điều này lâu hơn nữa.
Các nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã bắt đầu điều chỉnh lần lượt, duy chỉ có ngân hàng và bảo hiểm là mạnh mẽ. Theo anh chị những cổ phiếu này còn dư địa tăng nữa hay không, nhất là các mã bảo hiểm?
Tôi vốn rất thích ngành ngân hàng trong năm 2015, nhưng đó là thời điểm từ đầu năm khi mặt bằng giá cổ phiếu còn thấp. Hiện giờ tôi cho rằng mặt bằng giá cổ phiếu của nhóm ngân hàng đầu ngành đã ở vùng quá mua ngắn hạn, trừ MBB vẫn có định giá chưa quá đắt.
Với ngành bảo hiểm, có nhiều yếu tố hỗ trợ cho cổ phiếu nhóm ngành này (cơ hội nới room lớn, triển vọng kinh doanh tích cực,..). Tuy nhiên nhóm cổ phiếu này cũng đã tăng khá nhanh trong thời gian ngắn gần đây, và hiện một số cổ phiếu cũng đã vào vùng quá mua ngắn hạn.
Do vậy nhìn chung trong ngắn hạn, tôi không cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ.
Thanh khoản chung của thị trường hai ngày cuối tuần khá đuối so với 3 phiên đầu tuần, cộng với cường độ mua vào của khối ngoại giảm đi. Điều này có đáng lo ngại hay không? Việc nhà đầu tư nước ngoài mua yếu hơn có phải là dấu hiệu quan ngại về mức độ tăng nóng của thị trường?
Dòng tiền của khối ngoại là yếu tố hỗ trợ quan trọng đối với thị trường trong giai đoạn vừa rồi (giúp thị trường Việt Nam ngược dòng so với chứng khoán thế giới). Do đó nếu yếu tố này yếu đi hoặc khối ngoại quay trở lại bán ròng, tôi nghĩ khi đó khả năng thị trường quay đầu giảm điểm là rất lớn.
Tuần trước anh chị nắm giữ cổ phiếu với mức độ khá lớn. Các biến động mạnh tuần này có ảnh hưởng tới vị thế nắm giữ hay không? Mức giải ngân hiện tại là bao nhiêu?
Tôi giữ nguyên tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt 30%/70% với những cổ phiếu có câu chuyện cụ thể (trong bối cảnh thị trường chung đi ngang) và tiếp tục quan sát mức độ rủi ro chung của thị trường (theo quan điểm của tôi là đang tăng lên như đã đề cập ở trên).
Theo VnEconomy