Biến động bất ngờ cuối tuần qua được cho rằng ảnh hưởng của thông tin mở room đã hạ nhiệt.
Thông tin mở room là điều mà thị trường chờ đợi từ lâu. Tuy nhiên khi thông tin này chính thức được công bố, thị trường lại phản ứng theo cách bất ngờ: VN-Index sụt giảm 1,06%.
Đánh giá về hiện tượng trái chiều này, các chuyên gia trả lời phỏng vấn của VnEconomy cho rằng tác động của thông tin này đã không mạnh, đồng thời xuất hiện vào thời điểm thị trường đứng trước ngưỡng kháng cự quan trọng.
Mặc dù các cổ phiếu chịu tác động tích cực từ việc mở room vẫn tăng giá, nhưng nhiều cổ phiếu khác bị chốt lời, trong đó có những mã lớn tác động đến thị trường như dầu khí, ngân hàng.
Quan điểm đáng chú ý cho rằng thông tin có thể chưa rõ ràng, nhất là liên quan đến danh sách các ngành thuộc và không thuộc diện hạn chế đã khiến cho thông tin nới room không được đón nhận tích cực như dự báo.
Việc thị trường phản ứng tiêu cực với tin hỗ trợ đã khiến các chuyên gia thận trọng hơn. Tuần trước, tỷ trọng cổ phiếu được hạ xuống và tiếp tục được giảm xuống thấp hơn trong tuần này. Hoạt động mua lại cũng được thực hiện với tỷ trọng nhỏ. Tâm lý thận trọng đi cùng nhận định biến động của thị trường tuần tới có thể sẽ rất khó chịu.
Thị trường đang cực kỳ bối rối và chắc chắn có một câu hỏi lớn trong kỳ nghỉ cuối tuần: Tin nới room xuất hiện mà thị trường phiên cuối tuần đỏ rực. Theo anh chị, tại sao vậy?
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, Công ty Chứng khoán MB (MBS).
Thực ra một số cổ phiếu hết room như VNM, HCM, REE, FPT, TCM… đã tăng, tuy nhiên phần lớn cổ phiếu lại giảm trong phiên.
Theo tôi có lẽ thông tin chưa rõ ràng, nhất là liên quan đến danh sách các ngành thuộc và không thuộc diện hạn chế đã khiến cho thông tin nới room không được đón nhận tích cực như dự báo.
Nhìn ở khía cạnh khác, thông tin (được coi là “hỗ trợ”) ra mà thị trường phản ứng xấu là dấu hiệu khá tiêu cực của thị trường trong giai đoạn down trend. Với tôi đơn giản là như vậy.
Thanh khoản ngày 26/6 là rất cao, nhưng cổ phiếu giảm giá lại rất nhiều, kể cả các cổ phiếu quan trọng như dầu khí, ngân hàng. Vậy có thể đánh giá dòng tiền trên thị trường đang “chảy” theo hướng nào?
Theo tôi hiện tại không có nhóm cổ phiếu nào thực sự thu hút dòng tiền tập trung.
Cổ phiếu ngân hàng (nhóm dẫn đầu) đã tăng hết kỳ vọng cho năm 2015 (theo quan điểm của tôi), nên việc nhóm cổ phiếu này điều chỉnh giảm là chuyện bình thường; Cổ phiếu dầu khí tác động mạnh bởi giá dầu, nhưng hiện tại giá dầu đang đi ngang và chưa có triển vọng nào cho thấy sẽ sớm hồi phục tăng mạnh trở lại.
Có lẽ dòng tiền sẽ tìm đến những cơ hội, những câu chuyện cụ thể ở từng cổ phiếu hơn là cả một nhóm nào đó tại giai đoạn này.
Với biến động tiêu cực của VN-Index ngày cuối tuần, liệu có nên tiếp tục phân tích thị trường dựa trên chỉ số này để quan ngại về một khả năng tạo đỉnh? Không lẽ thị trường đã hết cơ hội tăng trưởng, bất chấp các dấu hiệu vĩ mô tích cực lẫn nhưng tin hỗ trợ mới?
Tôi vẫn tiếp tục giữ quan điểm thận trọng, thị trường đã tạo đỉnh ngắn hạn, hiện đang đi ngang và điều chỉnh giảm dần (sideways down) (đã đề cập trong các lần trả lời trước).
Mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán và kinh tế vĩ mô hay tin “hỗ trợ” là rất phức tạp, chứ không phải đơn giản theo kiểu vĩ mô tích cực là chứng khoán phải tăng.
Thông tin về Nghị định 58 xuất hiện khá bất ngờ. Phản ứng của anh chị lúc nghe tin này thế nào, mua thêm hay bán ra? Mức giải ngân hiện tại là bao nhiêu?
Tôi hiện vẫn đứng ngoài thị trường và quan sát chọn lọc những cơ hội cụ thể tại vùng giá hấp dẫn.
Theo VnEconomy