Quay lại

Việc các cổ phiếu nới room đã tạo nên “cơn sốt giá” trong tuần qua đã phần nào tạo kỳ vọng lớn cho thị trường.

Các giao dịch bùng nổ gần đây của MBB, VHC, EVE… hay một số cổ phiếu khác được cho là những dấu hiệu tích cực cho thị trường, mặc dù từng cổ phiếu cụ thể sẽ có những động thái khác nhau. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi dịp đại hội cổ đông năm nay sẽ có nhiều doanh nghiệp thông qua kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Các chuyên gia do VnEconomy phỏng vấn đều đánh giá khá tích cực và là cơ hội trong ngắn hạn. Tuy nhiên vẫn có những rủi ro nhất định khi điều này chỉ tạo cơ hội cho những cổ phiếu cụ thể. Mặt khác, để tạo xu thế tăng chung cho thị trường, vẫn cần sự đồng thuận của các cổ phiếu lớn, nếu không các cơ hội từ việc mở room sẽ chỉ là những biến động ngắn hạn từ số ít cổ phiếu, thậm chí là tiềm ẩn rủi ro cao.

Vị thế giao dịch đã có những thay đổi khác biệt trong tuần này. Có chuyên gia thực hiện cơ cấu lại danh mục và giảm tỷ trọng xuống, trong khi người khác bước chân vào thị trường hoặc tăng mua. Điểm chung là mức nắm giữ cổ phiếu tương đối cao, tối thiểu là 50% và cao nhất là 100%. Điều đó cho thấy mức kỳ vọng là không nhỏ trong bối cảnh hiện tại.

Một tuần tăng trưởng mạnh nhất kể từ đầu tháng 2 đã giúp VN-Index vượt lên trên đường xu thế giảm mà tuần trước anh chị đã chỉ ra. Tuy nhiên vùng kháng cự cũng đã gây nhiều khó khăn cho thị trường trong hai ngày cuối tuần, đồng thời thanh khoản có dấu hiệu sụt giảm. Anh đánh giá cơ hội tăng cao hơn như thế nào?

Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, CT Chứng khoán MB (MBS)

Tôi cho rằng thị trường vẫn duy trì được đà tăng khá tích cực với nhiều giao dịch đột biến từ các quỹ nước ngoài nhưng có thể thấy tốc độ tăng bắt đầu chậm lại và áp lực chốt lời ở các mã xuất hiện ngày càng nhiều.

Thị trường có thể chưa tạo đỉnh ngắn hạn trong tuần tới, nhưng nếu không có động lực tăng mới thì khả năng các chỉ số vượt qua các mốc kháng cự mới là không cao.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng đã có một tuần mua ròng trở lại với điểm nhấn là MBB, sau 6 tuần bán ra trước đó. Theo anh đây là hiện tượng cân bằng nhất thời, hay có thể kỳ vọng vào một chu kỳ tích cực hơn, vì như 5 năm gần đây, quý 1 luôn là thời điểm các quỹ ETF được rót vốn ròng?

Như câu hỏi đã đưa, lượng mua ròng của quỹ ngoại nằm ở mã MBB sau khi được nới room, trong khi tình hình huy động vốn của các quỹ ETF không khả quan.

Thống kê cho thấy trên phạm vi toàn cầu, thực tế tiền đang rút ra khỏi các quỹ ETF cổ phiếu và các thị trưởng mới nổi/thị trường biên. Tôi cho rằng rất khó để kỳ vọng dòng tiền từ khối ngoại sẽ có nhiều cải thiện đối với thị trường Việt Nam.

Thị trường đang xuất hiện kỳ vọng khá lớn đối với các cổ phiếu có tiềm năng thông qua việc mở room trong mùa đại hội cổ đông tới đây. Các trường hợp muốn nới room quá 49% sẽ được hướng dẫn cụ thể như một giải pháp kỹ thuật mà không cần chờ đợi khung pháp lý hoàn chỉnh. Anh có nhìn nhận điều này như một cơ hội hay không?

Theo tôi thực tế là điều này đã có ảnh hưởng khá tích cực lên thị trường trong ngắn hạn gần đây. Nó có thể là cơ hội tạo động lực cho thị trường nhưng do bị giới hạn trong một số mã nhất định nên hiệu quả của điều này sẽ còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như tình hình thị trường thế giới, giá dầu…

Vị thế cổ phiếu của anh tuần trước tương đối cao. Điều đó có thay đổi gì hay không trong tuần này?

Khi thị trường tăng và chính thức vượt qua đường trendline giảm, tôi đã mạnh dạn giải ngân một phần ở những cơ hội cổ phiếu cụ thể. Trạng thái danh mục cổ phiếu/tiền mặt hiện đang ở mức 50/50.

Lựa chọn cổ phiếu đúng lúc này có thể vẫn sẽ mang lại hiệu quả. Tuy nhiên trong bối cảnh có nhiều yếu tố khó đoán (phụ thuộc lớn vào tình hình thế giới), tôi chỉ đặt kỳ vọng ở mức vừa phải trong giai đoạn này.

Theo VnEconomy

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang