Mặc dù thị trường sụt giảm mạnh vào ngày cuối tuần nhưng các chuyên gia vẫn nhìn nhận với quan điểm không quá bi quan.
Hầu hết các chuyên gia VnEconomy phỏng vấn đều thận trọng trước xu thế ngắn hạn và biến động mạnh trong ngày giao dịch cuối cùng của các quỹ ETF không làm thay đổi các quan điểm này. Quan điểm tích cực vẫn nghiêng về khả năng nhiều cổ phiếu sau giai đoạn giảm mạnh sẽ bước vào giai đoạn đi ngang tạo đáy, hoặc xuất hiện các cơ hội chọn lọc.
Quan điểm thận trọng vẫn cho rằng thị trường cần một sự “giải thoát” đúng nghĩa để kích thích động lực tăng trưởng thật sự, thay vì dùng dằng yếu ớt như hiện tại.
Đối với động thái bán ròng liên tục của nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia cho rằng dòng vốn này vẫn sẽ chảy ra kể cả khi các ETF kết thúc giao dịch. Góc nhìn hẹp cho rằng sức ép điều chỉnh tỷ giá có thể đã khiến khối ngoại có hành động sớm, liên tục bán ròng. Góc nhìn rộng hơn cho rằng đó là vấn đề lớn của sự điều chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, cũng như việc cơ cấu danh mục.
Với sự thận trọng vẫn còn, chỉ duy nhất một chuyên gia thực hiện giải ngân trong ngày cuối tuần và tỷ trọng nắm giữ cao nhất là 70%. Các giao dịch khác không làm thay đổi tỷ trọng phân bổ vốn, hoặc hoàn toàn không thực hiện giao dịch trong tuần qua.
Nếu không có phiên sụt mạnh vào ngày cuối tuần chủ yếu do ETFs giao dịch thì thị trường đã có sự khởi sắc nhất định. VN-Index đã bị bẻ gãy tại ngưỡng 577 điểm, nhưng nếu bỏ qua phiên cuối tuần, anh đánh giá sức mạnh thị trường thế nào?
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, CT Chứng khoán MB.
Có hay không có phiên cuối tuần cũng không thay đổi đánh giá của tôi về thị trường tại thời điểm này.
Thị trường cần một sự giải thoát đúng nghĩa (ví dụ những phiên wash-out) trước khi có thể lấy lại động lực tăng trở lại, bằng không thị trường vẫn sẽ cứ dằng co yếu ớt, và tình trạng này sẽ còn kéo dài, trong bối cảnh mức độ margin vẫn còn cao, trong khi đó thị trường chứng khoán toàn cầu không thuận lợi, rủi ro vẫn cao, và nước ngoài liên tục bán ròng.
Câu chuyện FED tăng lãi suất dĩ nhiên là sự kiện nổi bật tuần này, nhưng phân tích thiệt hơn đã khá nhiều. Vấn đề có lẽ nằm ở việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh từ trước sự kiện ETF. Có quan điểm cho rằng nhà đầu tư nước ngoài bán ra để chờ đợi một động thái nâng tỷ giá trong nước. Điều đó có nghĩa là chừng nào tỷ giá chưa điều chỉnh, khối ngoại sẽ còn bán tiếp. Anh bình luận như thế nào?
Vấn đề áp lực tỷ giá chắc chắn luôn là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến động thái của khối ngoại.
Tuy nhiên bối cảnh lúc này, ngoài vấn đề tỷ giá, thị trường chứng khoán toàn cầu rủi ro cao, dòng vốn rẻ bị thu hẹp dần và xu hướng dòng tiền rút ròng khỏi các thị trường mới nổi và thị trường biên vẫn chưa dừng lại, thì xu hướng bán ròng của khối ngoại tại thị trường Việt Nam có lẽ vẫn sẽ tiếp diễn, không chỉ vì vấn đề tỷ giá.
Phản ứng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước sau việc FED nâng lãi suất lại là giảm lãi suất tiền gửi USD về 0% đối với cá nhân. Thực tế thì việc giữ USD phần nhiều mang tính phòng thủ tài sản trước nguy cơ giảm giá VND hơn là ăn lãi suất. Theo anh, ngoài câu chuyện giảm đô la hóa thì quyết định này có ảnh hưởng đến huy động ngoại tệ của các ngân hàng hay không, khi mà mức huy động ngoại tệ qua kênh tiết kiệm là khá lớn, kể cả dòng vốn “carry-trade”?
Đây là quyết định hợp lý mang tính thị trường của Ngân hàng nhà nước và chắc chắn ảnh hưởng đến quyết định găm giữ USD của người dân.
Nhà đầu tư đang nắm giữ USD sẽ phải cân nhắc giữa việc nắm giữ USD để hưởng lãi chênh lệch tỷ giá và lãi suất tiền gửi VND, và mức lãi này đang được Nhà nước tính toán nghiêng về phía nắm giữ VND.
Động thái này cho thấy Ngân hàng nhà nước tiếp tục ưu tiên chống đô la hóa. Trên thực tế, lượng tiền gửi ngoại tệ đã giảm hơn 10% kể từ cuối tháng 8 trở lại đây. Tuy nhiên rủi ro trong tương lai là với lãi suất 0%, lượng kiều hối chảy về nước có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Anh đánh giá thế nào về dòng vốn đối ứng của các giao dịch ETFs trong ngày cuối tuần? Anh có tham gia mua hay không, mức phân bổ hiện tại là bao nhiêu?
Tôi tiếp tục đứng ngoài, chờ đợi cơ hội.
Theo VnEconomy