Thị trường không nhiều biến động lớn trong tuần này, nhưng quan điểm của các chuyên gia đã có phần thận trọng hơn.
Tuần trước, vẫn có quan điểm tích cực nhìn nhận cơ hội tại các cổ phiếu cụ thể, nhưng đến tuần này, quan điểm chung là đánh giá về một khả năng khó khăn trong ngắn hạn và vị thế giao dịch không có thay đổi đối với những chuyên gia thận trọng. Đã có giao dịch giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống. Mức nắm giữ lớn nhất cũng chỉ còn 50%.
Điều khiến các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn trở nên thận trọng hơn là chưa nhìn thấy những thay đổi tích cực trong bối cảnh chung. Khả năng tích lũy sẽ tiếp tục kéo dài do những thông tin hỗ trợ đã trở nên nhàm chán và xác suất thắng lợi trong ngắn hạn quá thấp nên không hấp dẫn được dòng tiền vào.
Một yếu tố được quan tâm và lo ngại khá thống nhất, đó là hiện tượng giao dịch yếu của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có xu hướng bán ròng nhẹ.
Mặc dù vẫn có quan điểm về hoạt động lướt sóng ngắn hạn bình thường của dòng vốn này, nhưng nhìn chung các chuyên gia đều lo ngại về một khả năng ảnh hưởng chung của thị trường chứng khoán khu vực khi dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển ra khỏi nhóm thị trường mới nổi/thị trường cận biên.
Một tuần giao dịch mệt mỏi đã trôi qua mặc dù không có nhiều biến động lớn. Vẫn là những diễn biến lình xình có phần khó chịu với thanh khoản rất thấp. Tuần rồi cũng cho thấy một phản ứng rất trơ lỳ với các thông tin được xem là hỗ trợ tốt. Vì sao thị trường lại giao dịch một cách đầy ức chế như vậy?
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, Chứng khoán MBS.
Vẫn là câu chuyện cũ, dòng tiền lớn không thấy có nhiều triển vọng phía trước thì thị trường khó có giao dịch sôi động được. Rủi ro thị trường chứng khoán toàn cầu và Trung Quốc là hai vấn đề tâm điểm.
Trong bức tranh lớn đó, những thông tin được coi là “hỗ trợ” (liên quan đến giao dịch T+ và đàm phán TPP) có lẽ không đủ mạnh để làm thay đổi cục diện.
Chưa kể thực ra thông tin cũng trái chiều chứ không hoàn toàn là hỗ trợ: Thông tin rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống T+2 từ 01/01/2016 được cho là một trong những thông tin tích cực đối với thị trường, tuy nhiên việc rút thời điểm thanh toán từ 9h sáng ngày T+3 xuống thời điểm 16h45 của ngày T+2 thực tế không đem lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư so với hiện tại bởi các giao dịch bán cổ phiếu vẫn chỉ có thể thực hiện tại ngày T+3.
Đàm phán TPP có tiển triển ở một số vấn đề (như vấn đề thương mại ô tô và thịt), tuy nhiên khúc mắc ở những vấn đề khác vẫn còn (như vấn đề bản quyền dược phẩm và thị trường sữa). Hơn nữa câu chuyện về đàm phán TPP đã lặp đi lặp lại quá nhiều lần trong mấy năm qua với hi vọng rồi lại thất vọng về thời điểm đi đến thống nhất và kí kết, do đó cũng không dễ để nhà đầu tư tin rằng nó sẽ sớm đi đến hồi kết.
Trong khi đó một thông tin có thể gây ra lo ngại chính là chỉ số PMI Nikkei của Việt Nam lần đầu tiên rơi xuống mức dưới 50 điểm sau 2 năm. Có vẻ như Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi tình hình Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới. Nếu xu hướng này tiếp diễn, đây sẽ là vấn đề có thể gây ra lo ngại trong thời gian tới.
Dòng vốn nước ngoài đang giao dịch rất hạn chế trên thị trường và mức bán ròng không lớn. Diễn biến thu hẹp sức mua của khối ngoại chỉ thực sự rõ ràng trong 2 tuần trở lại đây. Anh cũng đã từng trông đợi dòng vốn này hoạt động mạnh trở lại như là một tín hiệu tích cực đối với thị trường. Dường như trông đợi này đã chưa xảy ra. Chỉ trong 2 tuần, khó có sự kiện nào mới để khiến dòng vốn này ngưng trệ như vậy. Theo anh đó là hiện tượng bình thường, hay nằm trong xu thế rút vốn khỏi các thị trường chứng khoán Asean nói chung?
Xu hướng dòng vốn đầu tư rút ròng khỏi thị trường mới nổi/thị trường biên không phải là điều gì mới mẻ nữa mà thực tế nó đã và đang diễn ra rồi.
Một thống kê gần đây của tổ chức Institute of International Finance của Mỹ cho thấy chỉ trong quý 3/2015, các nhà đầu tư tài chính đã bán ròng khoảng 40 tỷ USD các tài sản đầu tư tại các thị trường mới nổi (đây là mức vốn rút ròng trong một quý lớn nhất kể từ khủng khoảng 2008).
Việt Nam có thể coi là một điểm sáng, vẫn có thể hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài (kinh tế vĩ mô nhìn chung vẫn tích cực, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đi cùng với chính sách nới room, cải cách khu vực ngân hàng,…). Tuy nhiên, trong bối cảnh chung dòng vốn nước ngoài đang rút ròng khỏi các thị trường mới nổi/thị trường biên, Việt Nam cũng khó tránh khỏi bị tác động.
Tuần trước anh kỳ vọng vào dòng tiền phân hóa theo kết quả kinh doanh quý 3. Anh chị ưa thích những nhóm cổ phiếu nào, liệu yếu tố đột biến kết quả kinh doanh đến đâu?
Thực tế tại thời điểm này, tình hình chung (the big picture) đang ảnh hưởng lớn đến quyết định của các nhà đầu tư, rồi mới đến từng nhóm cổ phiếu cụ thể.
Theo quan sát của chúng tôi, nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt, dẫn đầu trong các ngành vẫn là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư hiện nay. Đây cũng là nhóm dự kiến sẽ tiếp tục có kết quả kinh doanh tốt trong quý 3 và quý 4.
Cơ hội ngắn hạn hiện tại chỉ bó hẹp ở một số cổ phiếu vừa và nhỏ. Anh có tham gia giao dịch ở nhóm này không? Mức phần bổ vốn tổng thể hiện là bao nhiêu?
Tôi vẫn tiếp tục đứng ngoài thị trường và chờ đợi cơ hội tại vùng giá hấp dẫn hơn nữa.
Theo VnEconomy