Một tuần tăng không mấy rõ ràng và chỉ số VN-Index diễn biến bất ngờ ngày cuối cùng đã khiến các chuyên gia hành động khác biệt một cách đáng kể.
Tuần trước các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn vẫn giữ quan điểm tích cực đối với thị trường và tuần này cũng không có nhiều hơn các quan điểm thay đổi một cách thận trọng. Tuy nhiên, hành động giao dịch lại cho thấy các chuyên gia có sự phòng thủ nhất định.
Cụ thể, các quan điểm tích cực nhất vẫn duy trì mức nắm giữ 100% cổ phiếu, xem xét khả năng sử dụng đòn bẩy cũng như khuyến nghị mua thêm. Những ý kiến thận trọng đã giảm danh mục xuống thấp hơn so với tuần trước và duy trì ở ngưỡng cân bằng.
Các hành động khác biệt đến từ việc đánh giá thị trường đang có sự phân hóa mạnh. Việc VN-Index vượt lên đỉnh cao mới được các chuyên gia đánh giá khác nhau theo hai hướng: Quan điểm tích cực nhìn nhận thị trường đã tích lũy đủ và phiên cuối tuần là một sự bứt phá thành công.
Quan điểm thận trọng hơn lại chưa nhìn thấy sự thuyết phục trong diễn biến đó, cổ phiếu giảm giá nhiều hơn và không có các nhóm cổ phiếu nổi bật.
Có thể nói thị trường đã có bất ngờ khá lớn trong tuần này: Thị trường lình xình gần như cả tuần nhưng cổ phiếu giảm giá rất nhiều. Ngày cuối tuần thậm chí số giảm áp đảo mà VN-Index vẫn vượt đỉnh thành công. Anh đánh giá thế nào về phiên vượt đỉnh này? Liệu thị trường có vào một xu thế tăng mới sau phiên này hay chỉ là biến động nhất thời?
Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Thị trường tuần qua diễn biến theo chiều hướng giằng co, sắc đỏ đã bao trùm lên khá nhiều cổ phiếu lớn khác và điều này khiến cả hai chỉ số đang có biến động hẹp quanh mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, thị trường trong phiên giao dịch cuối tuần có khá nhiều điểm tích cực. Đó là việc các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PVS, PVC… đồng loạt tăng mạnh trở lại nhờ diễn biến khá bất ngờ của giá dầu thế giới, sau khi nhà đầu tư lo ngại về việc Mỹ tấn công Syria sẽ ảnh hướng tới nguồn cung của dầu mỏ.
Bên cạnh đó, khá nhiều cổ phiếu lớn như VJC, VIC, SAB, HPG, HSG, FPT…cũng đồng loạt tăng giá và giúp duy trì vững sắc xanh của các chỉ số.
Và thực tế, VN-Index đã có 1 phiên vượt đỉnh ngoạn mục. Tôi cho rằng, về mặt chỉ số, thì thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tăng, về kháng cự 730-735 trong tuần tới. Tuy nhiên, thị trường vẫn sẽ tiếp tục phân hóa, chứ không tăng đồng loạt ở các nhóm ngành. Tôi đánh giá, đây vẫn chỉ là 1 phiên biến động nhất thời, chưa mang tính thuyết phục, vì thị trường vẫn đang thiếu một dòng cổ phiếu dẫn dắt thực sự.
Bắt đầu có nhiều hơn những đánh giá thận trọng về thị trường, nhất là khi chuyển động vĩ mô không khả quan như mong đợi, cộng với mức thanh khoản quá lớn những ngày qua, chưa kể những biến động mới trên thế giới. Anh có lo ngại những lực cản này không?
Vừa qua, khi công bố chỉ tiêu GDP quý 1, đã gây thất vọng lớn cho hầu hết nhà đầu tư, việc bóc tách tác động từng nhóm ngành trong cơ cấu GDP đã cho thấy:
Quý 1/2017, công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 8,3%, thấp hơn mức tăng 8,94% cùng kỳ 2016. Chủ yếu do sản xuất và chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất (15%) chỉ tăng 4,4% thay vì 8,6% như cùng kỳ năm 2016.
Ngành sản xuất sản phẩm điện tử (giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng khoảng 21% ngành chế biến, chế tạo) giảm 1% trong khi quý 1/2016 tăng 11,3%, nguyên nhân chủ yếu do sản xuất của Công ty Samsung Việt Nam giảm gần 38%.
Đồng thời, quý 1/2017, khai thác dầu thô, khí tự nhiên, than đạt thấp làm tăng trưởng ngành khai khoáng chỉ bằng khoảng 90% so cùng kỳ năm 2016.
Do đó, tôi cho rằng cần phải thận trọng theo dõi thêm diễn biến GDP ở các quý tới mới có thêm cơ sở để đánh giá chính xác, bởi vì các nguyên nhân trên chỉ tác động nhất thời, và hoàn toàn có thể diễn biến theo hướng tích cực ở các quý sau, khi mà giá dầu đang có diều biến tích cực trở lại cũng như hoạt động sản xuất của Samsung đang trở lại bình thường.
Mùa đại hội cổ đông đang diễn ra và hẳn anh chị cũng tham dự nhiều. Cảm nhận của anh về những thông tin hỗ trợ được đưa ra trong dịp này như thế nào? Liệu mục tiêu kinh doanh của năm 2017 có gây ấn tượng với anh ?
Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đã và đang tổ chức đại hội đồng cổ đông 2017, tôi đã có dịp tham dự nhiều đại hội đã diễn ra cũng như xem qua tài liệu của các doanh nghiệp chuẩn bị trong thời gian tới. Tôi nhận thấy rằng, hầu hết các doanh nghiệp liên quan tới sản xuất đều đặt ra kế hoạch rất thận trọng so với khả năng mà doanh nghiệp có thể đạt được như REE, VNM, FPT…trong khi các doanh nghiệp hoạt động liên quan tới bất động sản , xây dựng, ngân hàng lại đề ra cho mình 1 kế hoạch tăng trưởng rất ngoạn mục như PDR, DXG, NLG, ACB…
Theo đánh giá của tôi, thì việc đặt kế hoạch như trên hoàn toàn hợp lý, bởi nhóm ngành bất động sản, tài chính đang trong chu kỳ hồi phục mạnh, việc bán hàng diễn ra từ cách đây 2-3 năm trước của doanh nghiệp bất động sản sẽ dẫn tới thời điểm hạch toán doanh thu và lợi nhuận từ năm nay (Theo TT200/TT-BTC).
Nhóm ngân hàng thì đã trải qua thời kỳ trích lập dự phòng xử lý nợ xấu cao, nên hoàn toàn có thể bắt đầu ghi nhận lợi nhuận tốt hơn, trong khi đó nhóm ngành sản xuất sẽ đối mặt với việc giá nguyên liệu đầu vào cũng như chi phí nhân công tăng mạnh.
Anh có giao dịch trong tuần hay không? Mức phân bổ danh mục hiện tại như thế nào?
Như đã trao đổi ở tuần trước, quan điểm của tôi vẫn lạc quan về thị trường trong giai đoạn 6 tháng dầu năm, do đó, tôi vẫn tiếp tục trading ở các nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền mạnh như xây dựng, bất động sản và chứng khoán. Tôi vẫn giữ tỷ trọng 100% cổ phiếu bằng tiền mặt, và gia tăng sử dụng margin khi thị trường vào các nhịp điều chỉnh hấp dẫn.
Theo VnEconomy