Các chuyên gia tỏ ra lạc quan với việc VN-Index tiếp tục tiến lên đỉnh cao mới. Tuy nhiên việc giảm danh mục cổ phiếu ngắn hạn lại đang được thực hiện.
Yếu tố thanh khoản sụt giảm trong bối cảnh thị trường tăng được các chuyên cho rằng không đến từ yếu tố giảm hỗ trợ đòn bẩy tài chính từ các công ty chứng khoán. Việc cân đối lại và cơ cấu số liệu ở thời điểm lập báo cáo bán niên có thể xảy ra với các công ty chứng khoán, nhưng không phải là do thiếu nguồn.
Thanh khoản sụt giảm tuần qua được cho là xuất phát từ chiến lược đầu tư của nhà đầu tư. Các chuyên gia đều cho rằng đã có sự thận trọng nhất định trong giao dịch khi các cổ phiếu đạt đến vùng kháng cự mạnh khiến nhịp giải ngân bị chững lại một chút.
Mặt khác, đây cũng là thời điểm các nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, nên nếu nhìn thanh khoản từ phía khối lượng thì có sự sụt giảm, nhưng nhìn từ giá trị thì không biến động nhiều. Theo các chuyên gia đó là hiện tượng tập trung vốn ở các cổ phiếu cơ bản tốt, thị giá cao. Các giao dịch ngắn hạn cũng ít cơ hội lợi nhuận lớn so với thời điểm trước.
Đối với vị thế, ngoài một chuyên gia vẫn chưa quay lại thị trường, cả 4 chuyên gia còn lại đều thực hiện giảm bớt cổ phiếu ngắn hạn trong tuần qua.
Phiên cuối tuần hẳn đã khiến nhiều nhà đầu tư thở phào khi VN-Index lại vượt lên được đỉnh cao mới. Tuy nhiên câu chuyện tăng giá của VNM hay SAB cũng tạo nên nhiều nghi ngại vì kiến tạo lực hỗ trợ rất đúng thời điểm. Quan điểm của anh thế nào, thị trường đang tăng trưởng tích cực hay chỉ là vấn đề điểm số?
Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc chi nhánh Sài Gòn, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Tôi cho rằng việc thị trường tăng điểm trong một thời gian dài nhưng hai cổ phiếu chủ lực là SAB và VNM chưa có sóng tăng nào đáng kể phần nào cũng thu hút được dòng tiền phòng thủ, có xu hướng lựa chọn các cổ phiếu an toàn.
Ngoài 2 cổ phiếu SAB và VNM thì nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giao dịch khởi sắc và thu hút được dòng tiền khá lớn từ thị trường. Đây là động lực giúp thị trường liên tục xác lập các đỉnh cao mới.
Với mức thanh khoản duy trì ở mức 200 triệu cổ phiếu một phiên và giá trị đạt gần 5 nghìn tỷ thì rõ ràng chưa có rủi ro đối với thị trường trong ngắn hạn.
Đã có một sự hụt hơi tương đối rõ trong tuần qua, là thanh khoản sụt giảm khá nhiều. Đang có ý kiến về việc hạn chế cấp margin từ các công ty chứng khoán ở thời điểm kết thúc kỳ bán niên. Anh có thể xác nhận điều nay không? Nếu dịch vụ margin vẫn bình thường, tại sao thanh khoản lại giảm đi như vậy?
Nhìn khối lượng giao dịch thì rõ ràng đã có sự sụt giảm về thanh khoản, tuy nhiên giá trị giao dịch lại duy trì khá tốt, điều này cho thấy dòng tiền có xu hướng thận trọng hơn và tập trung giao dịch ở các cổ phiếu có cơ bản tốt, thị giá cao.
Tôi cho rằng điều này hoàn toàn hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh thời gian đã có khá nhiều cổ phiếu đầu cơ, chưa có sự cải thiện tương đối về hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thị giá đã tăng gấp nhiều lần. Điều này dẫn đến rủi ro rất lớn khi giao dịch mạnh ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.
Đối với dịch vụ margin, đâu đó có một vài công ty chứng khoán cơ cấu số liệu ở thời điểm lập báo cáo bán niên, tuy nhiên tôi cho rằng nó không ảnh hưởng nhiều đến diễn biến trên thị trường mà chủ yếu do hành vi và chiến lược của nhà đầu tư tạo nên.
Những số liệu vĩ mô 6 tháng vừa được công bố với tốc độ tăng trưởng khá mạnh ở quý 2/2017. Liệu thị trường có thể kỳ vọng điều gì trong trung hạn 6 tháng cuối năm với nền tảng vĩ mô?
Tôi cho rằng điều này có lợi rất nhiều cho thị trường chứng khoán, đặc biệt là 6 tháng cuối năm khi Chính phủ đồng loạt triển khai các nhóm giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm từ 6.5-6.7% trong đó có thể có cả việc tăng đầu tư công và tăng trưởng tín dụng được mở rộng.
Lần lượt hết đỉnh này đến đỉnh khác được VN-Index chinh phục và số cổ phiếu tăng giá trong tuần là tương đối nhiều. Anh đã mua thêm hay bán bớt, tỷ trọng như thế nào?
Tôi vẫn duy trì nắm giữ các cổ phiếu trong danh mục chiến lược, đối với các cổ phiếu trading tôi đang giảm dần tỷ trọng để bảo vệ thành quả.
Theo VnEconomy