Quay lại

 

Hơn 700 tỷ đồng đã bị nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường trong tuần này, tạo ra áp lực rất lớn lên cổ phiếu.

Đây là quan điểm đánh giá được các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn đồng thuận cao. Thực tế giao dịch trong tuần qua cũng xác nhận những ảnh hưởng mạnh mẽ của hoạt động rút vốn này lên những cổ phiếu vốn hóa lớn, có tác động mạnh về xu hướng chỉ số.

Những đánh giá tích cực dựa trên cơ sở đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy sức ép rút vốn này có thể giảm trong tuần tới. Đó là mức chênh lệch giữa giá chứng chỉ quỹ và giá trị tài sản ròng của quỹ ETFs đã cải tiện, từ discount thành premium trong phiên ngày 27/3 (sau khi thị trường Việt Nam đóng cửa). Mặt khác, việc rút vốn cũng được cho là không đại diện cho xu hướng dòng tiên của nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, những đánh giá có phần lạc quan đó lại chưa dẫn đến các chiến lược đầu tư thống nhất. Biến động xấu trong tuần qua đã dẫn đến việc cắt giảm danh mục với tỷ lệ cổ phiếu cao nhất được ghi nhận là 70% và cơ hội mua được nhìn nhận khác nhau. 

Quan điểm thận trọng vẫn cho rằng nên chờ đợi những dấu hiệu rõ ràng trong giao dịch của khối ngoại trước khi tăng tỷ lệ cổ phiếu vì triển vọng phục hồi nếu có sẽ kéo dài, đủ thời gian cho các cơ hội. Quan điểm tích cực hơn đã sẵn sàng giải ngân trong tuần tới, hướng vào các mã bị ETFs bán mạnh và có mức sụt giảm giá lớn.

Nhiều nhà đầu tư đã rất bất ngờ trước mức sụt giảm lớn trong tuần này, như mốc 570 điểm rồi 560 điểm bị xuyên thủng dễ dàng. Anh chị có bất ngờ trước biến động đó hay không, khi nhịp giảm này đã kéo sang tới tận phiên thứ 17?

Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, CT Chứng khoán MB trả lời phỏng vẩn.

Diễn biến thị trường tiếp tục sụt giảm trong tuần này là không có gì bất ngờ. Như đã nhận định cuối tuần trước, tôi chưa nhìn thấy động lực để thị trường hồi phục tại thời điểm đó. 

Tuy nhiên, yếu tố có phần bất ngờ là sự sụt giảm quá nhanh và mạnh của GAS, cổ phiếu có tác động lớn đến chỉ số VN-Index, và phần nào đó là PVD trong tuần này, dù triển vọng kém tích cực của nhóm cổ phiếu ngành dầu khí đã được chúng tôi dự báo kể từ cuối năm 2014 và lặp lại đánh giá này từ đầu năm 2015. 

Có lẽ sự thất vọng lớn của các nhà đầu tư trước việc GAS và PVD đã không thực hiện mua cổ phiếu quỹ như đã thông báo trước đó đã phản ánh vào diễn biến như đã nhìn thấy trong tuần này.

Sau tuần tăng thanh khoản do các quỹ ETF giao dịch, tuần này thanh khoản lại sụt giảm rất mạnh. Dường như những kỳ vọng của anh chị trong tuần trước đã không được như ý. Vì sao nhà đầu tư lại ngần ngại mua vào như vậy, dù chúng ta đều thấy những yếu tố cơ bản đang tích cực, chẳng hạn con số tăng trưởng GDP rất tốt?

Mối liên hệ giữa thị trường chứng khoán và các yếu tố cơ bản như con số tăng trưởng GDP có thể không song hành tại một thời điểm nhất định là bình thường. Trong bối cảnh thị trường đang lao dốc, và khối loại liên tục bán ròng mạnh, việc nhà đầu tư ngần ngại mua vào là có thể hiểu được.

Ngoài ra, có thể nhà đầu tư tiếp tục lo ngại dòng tiền vốn đã bị thu hẹp bởi quy định pháp lý chặt chẽ hơn gần đây, có thể lại bị chia sẻ bởi nguồn vốn bị hút vào thị trường bất động sản đang hồi phục. Kế hoạch tăng vốn mạnh của các doanh nghiệp trong thời gian tới dự kiến cũng sẽ rút thêm một lượng tiền lớn ra khỏi thị trường.

Câu chuyện discount của quỹ ETFs tuần trước đã được chứng thực và tuần này nhà đầu tư nước ngoài rút vốn rất mạnh. Cho đến cuối tuần này mức discount của quỹ VNM chỉ còn 0,68%. Có thể kỳ vọng rằng khi khối ngoại giảm bán, thị trường sẽ phục hồi?

Hoạt động rút vốn mạnh của nhà đầu tư nước ngoài trong tuần này có thể do 2 nguyên nhân quan trọng: (1) lo ngại về việc Fed sớm tăng lãi suất lại càng tăng lên sau phát biểu gần đây nhất của Chủ tịch Fed; (2) dòng tiền có sự dịch chuyển từ một số thị trường mới nổi và thị trường biên (trong đó có Việt Nam) sang thị trường chứng khoán châu Âu và Trung Quốc (những thị trường tăng mạnh trong giai đoạn vừa rồi).

Theo thông tin cập nhật đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/3/2015, hiện tại mức discount của quỹ VNM hiện đã không còn nữa, mà chuyển sang premium +0,23%. Hiện tại, giá cổ phiếu tại thị trường Việt Nam cũng đã ở vùng hấp dẫn hơn, do đó tôi kỳ vọng khối ngoại sẽ giảm bán. 

Ngoài ra, tôi nhận thấy một số cổ phiếu có cơ bản tốt và thu hút sự chú ý mạnh của nhà đầu tư đã tìm được điểm cân bằng và bắt đầu tăng trở lại sớm hơn thị trường (trong đó có 1 số cổ phiếu trong nhóm ngân hàng dẫn đầu). Tôi kỳ vọng đó là sự khởi đầu cho thị trường tìm được điểm cân bằng và hồi phục trong tuần tới.

Rất hiếm cổ phiếu tránh khỏi suy giảm trong tuần này. Anh chị xử lý danh mục thế nào, cắt giảm hay mua thêm? Mức độ phân bổ vốn hiện tại là bao nhiêu?

Một số cổ phiếu trong danh mục theo dõi của tôi đã về vùng mua hấp dẫn trong tuần này, nên tôi đã thực hiện mua vào và tăng tỷ trọng cổ phiếu đúng như chiến lược đã đề ra. Hiện tại phân bổ cổ phiếu/tiền mặt của tôi là 70/30.

Theo VnEconomy

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang