Với mức sụt giảm mạnh những phiên đầu tuần, dường như lòng tham đã nổi lên.
Tuần trước phần lớn các ý kiến chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn nghiêng về quan điểm thận trọng và hạn chế bắt đáy. Tuy nhiên với mức sụt giảm rất mạnh trong hai phiên đầu tuần và VN-Index chạm tới ngưỡng 513 điểm, hoạt động mua vào đã được thực hiện với tỷ lệ cổ phiếu cao nhất 80%.
Mặc dù có sự mạnh bạo hơn trong việc giải ngân, đánh giá về sức mạnh thị trường thể hiện trong 3 phiên cuối tuần vẫn xuất hiện những sự khác biệt và thận trọng nhất định. Quan điểm thận trọng nhất cho rằng những phiên tăng vừa rồi có khả năng cao là một dạng phục hồi “con mèo chết” (dead cat bounce).
Những ý kiến còn lại mặc dù không tỏ ra lo ngại trước rủi ro nói trên, nhưng vẫn tỏ ra thận trọng khi đánh giá cơ hội phục hồi cao hơn của thị trường. Xu thế tăng ngắn hạn sẽ gặp nhiều trở ngại, thậm chí có thể điều chỉnh tích lũy thêm.
Những ngày vừa qua là vẻ đẹp và sức hấp dẫn khó cưỡng của thị trường: Từ chỗ cực điểm bi quan với những lo ngại về tỷ giá, chiến tranh tiền tệ đến hưng phấn cao độ với các màn đua giá trần. Mọi thứ xoay chuyển quá nhanh chỉ trong vào ngày. Anh đánh giá độ tin cậy và sức mạnh thị trường trong mấy ngày vừa qua như thế nào?
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, Chứng khoán MBS
Tôi có hệ thống theo dõi của riêng mình và khá bình thản trước những biến động trong ngắn hạn của thị trường. Từ cuối tuần trước, tôi đã xác định đây là cơ hội tốt để mua cổ phiếu với giá hấp dẫn, và giờ vẫn giữ nguyên quan điểm đó.
Vẫn có các quan điểm xung đột trong hiện tại: Liệu 4 phiên tăng cực mạnh cuối tuần này là một dạng “dead cat bounce”, hay thực sự là thị trường đã qua đáy. Quan điểm của anh thế nào?
Năm nào thị trường Việt Nam cũng có những sự kiện kiểu như giai đoạn vừa rồi. Nếu xác định cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong chu kỳ này của nền kinh tế và thị trường chứng khoán (như quan điểm của tôi), thì những sự kiện như vừa rồi sẽ tạo cơ hội mua với giá hấp dẫn.
Tôi không cho rằng các phiên vừa rồi là một dạng “dead cat bounce”.
Bối cảnh vĩ mô trong vài ngày qua cũng có sự thay đổi 180 độ: Thị trường chứng khoán Trung Quốc và thế giới phục hồi, giá dầu tăng, tỷ giá ổn định, nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua… Bối cảnh này là nhân tố quan trọng giúp thị trường phục hồi mạnh. Liệu anh còn lo ngại hay chờ đợi điều gì khác nữa hay không?
Cuối tuần trước và đầu tuần này thị trường gần như rơi tự do, lúc đó tôi không thấy có gì phải sợ hãi và xác định là cơ hội mua. Giờ khi thị trường hồi phục tăng mạnh, tôi vẫn cảnh giác là yếu tố rủi ro từ bên ngoài vẫn còn đó chứ chưa phải là hoàn toàn biến mất.
Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy rủi ro tỷ giá từ các khu vực thị trường emerging markets/frontier markets nói chung sẽ khiến dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền mới giải ngân vào các thị trường này. Việt Nam cũng có thể phần nào bị ảnh hưởng chung trong bối cảnh này (mặc dù thị trường Việt Nam có các yếu tố hỗ trợ riêng nên mức độ ảnh hưởng theo tôi là ít hơn).
Ngoài ra, giá dầu mặc dù hồi phục tạm thời nhưng quan điểm của chúng tôi là giá dầu chưa thể tăng mạnh trở lại, ít nhất trong vòng 3 năm tới, do đó tôi không quá lạc quan đối với yếu tố này.
Tuy vậy, về tổng thể, tại vùng giá này, tôi cho rằng mặt bằng cổ phiếu Việt Nam vẫn rất hấp dẫn để đầu tư.
Cơ hội bắt đáy tốt nhất là hai phiên đầu tuần này và dù giữ quan điểm thận trọng đến đâu thì hẳn nhà đầu tư cầm tiền cũng rất sốt ruột trong 3 ngày cuối tuần. Anh có gia tăng vị thế cổ phiếu hay không, mức phân bổ vốn hiện tại như thế nào?
Tôi đã tiến hành giải ngân thêm 20% danh mục đối với cổ phiếu và hiện tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt là 70/30.
Theo VnEconomy