Quay lại

Cơ hội cho thị trường bứt phá qua ngưỡng 600-610 điểm vẫn được đánh giá là khả thi, nhưng đó sẽ là một quá trình vất vả.

Phiên giao dịch cuối tuần chứng kiến sự suy yếu ở những cổ phiếu lớn quan trọng khiến VN-Index điều chỉnh trở lại và thất bại trước ngưỡng 600 điểm. Các chuyên gia VnEconomy phỏng vấn tuy có cái nhìn khác nhau về triển vọng tăng trưởng của thị trường trong ngắn hạn, nhưng đều cho rằng cần có sự tích lũy nhất định trước khi diễn biến rõ ràng hơn.

Một điểm rất chung trong các ý kiến là sự phân hóa ở cổ phiếu sẽ khiến thị trường khó có đột biến, thậm chí có thể tạo nên những biến động đi ngang hơn là bứt phá. Càng tiến lên vùng 600-610 điểm, áp lực chốt lời sẽ tăng lên và tạo nên sự phân hóa mạnh mẽ trong các cổ phiếu, thậm chí là trong từng nhóm ngành.

Chiến lược giao dịch cũng đang có sự khác biệt nhất định, nhưng tựu chung đều thận trọng. Một số chuyên gia đã thực hiện giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống, trong khi chiến lược khác dự kiến giảm dần tỷ trọng khi thị trường tiến tới vùng 610 điểm.

Hẳn không ít nhà đầu tư phải mừng hụt trong phiên cuối tuần này khi thiếu chút nữa là VN-Index bứt phá qua được 600 điểm. Các cổ phiếu lớn đã không đủ mạnh mẽ như kỳ vọng của anh trong tuần trước mặc dù thanh khoản rất tốt. Từ góc độ kỹ thuật, liệu cơ hội bứt phá còn hay không?

Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Theo tôi khu vực 595-600 điểm là vùng kháng cự rất mạnh nên việc VN-Index chưa vượt được vùng điểm này là điều có thể hiểu được.

Lực mua ròng của khối ngoại đã suy giảm, xen kẻ những phiên bán ròng và chỉ số suy yếu về cuối phiên cho thấy thị trường có thể chưa sẵn sàng vượt ngưỡng kháng cự mạnh tại thời điểm này.

Một sự kiện khá thú vị trong tuần này là những phản ứng có phần thái quá với thông tin thoái vốn nhà nước ở một số cổ phiếu lớn. Tuy thế ngay cả như VNM cũng đã không duy trì được sức mạnh. Anh đánh giá thế nào về câu chuyện thoái vốn này?

Câu chuyện thoái vốn không phải là mới nhưng khi tin được công bố chính thức là thời điểm tích cực nên được thị trường hưởng ứng. Về cơ bản tôi đánh giá tích cực việc Nhà nước thoái vốn, thể hiện quan điểm sẵn sàng chuyển sở hữu, kiểm soát và điều hành doanh nghiệp cho tư nhân, hiệu quả sẽ được cải thiện.

Ngoài ra, nhìn trên phương diện ngân sách, trong bối cảnh tình hình ngân sách khó khăn, việc bán tài sản sẽ giúp Chính phủ có thêm ngân sách đầu tư cho hạ tầng. Nguồn cung cổ phiếu tốt tăng sẽ giúp thu hút được dòng vốn lớn vào thị trường.

Với mức giải ngân khá lớn trong tuần trước, hẳn mức độ tin tưởng vào triển vọng thị trường của anh là cao. Liệu anh còn kỳ vọng nào khác ngoài câu chuyện kết quả kinh doanh quý 3?

Ngoài câu chuyện kết quả kinh doanh, tại lúc này thôi không thấy có nhiều câu chuyện nào khác.  

Một số cổ phiếu tăng giá mạnh tuần qua bắt đầu có dấu hiệu chốt lời. Hoạt động giao dịch của anh tuần này như thế nào, mức độ phân bổ vốn hiện tại là bao nhiêu?

Tôi tiếp tục đứng ngoài thị trường.

Theo VnEconomy

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang