Quan điểm tích cực ngắn hạn dường như đã chiếm ưu thế, khi 3/5 chuyên gia được hỏi đã tăng tỷ trọng cổ phiếu trong tuần qua.
Với những biến động tích cực từ thông tin trong cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và hoạt động giao dịch năng động của hai quỹ ETF, thị trường đã có chuyển biến về điểm số lẫn thanh khoản trong ngày cuối tuần. Phần lớn các chuyên gia được phỏng vấn đều nghiêng về kịch bản lạc quan trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, liệu những dấu hiệu trong một phiên cuối tuần đã đủ sức nặng để khởi động một xu thế tăng mới hay chưa lại dẫn đến những quan điểm khác biệt. Một xu thế tăng bền vững được nhìn nhận khá thận trọng khi cần thêm các tín hiệu chắc chắn, dù ngắn hạn có thể tích cực. Tâm lý được cởi bỏ và dòng tiền bớt phòng thủ hơn có khả năng dẫn đến những biến động tích cực trước mắt.
Điều được các chuyên gia chờ đợi để triển vọng thị trường rõ ràng hơn là sự trở lại của dòng vốn đầu cơ, dòng tiền của khối ngoại tăng mua trở lại và thanh khoản mạnh mẽ.
FED đã không nâng lãi suất và thị trường có một ngày cuối tuần bùng nổ cả về giá lẫn thanh khoản. Anh đánh giá sức mạnh thị trường phiên cuối tuần như thế nào, liệu thông tin này có đủ sức nặng để khởi động một xu thế tăng mới?
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, CT Chứng khoán MB (MBS)
Theo tôi việc FED tạm thời chưa nâng lãi suất là một thông tin hỗ trợ cho thị trường trong ngắn hạn, dòng tiền vốn dè dặt chờ đợi đã mạnh dạn hơn.
Tuy nhiên, tôi không nghĩ thông tin này có đủ sức nặng để khởi động một xu thế tăng bền vững, bởi lẽ rủi ro trung hạn vẫn còn nguyên đó. FED chắc chắn sẽ bắt đầu thực hiện tăng lãi suất, có chăng chỉ là vấn đề thời gian.
Điều nên quan tâm hơn đó là mức độ và nhịp độ tăng lãi suất của FED sẽ thế nào trong thời gian tới. Rủi ro từ Trung Quốc vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thế giới trong thời gian tới.
Những thông điệp trong việc không tăng lãi suất lần này dựa nhiều vào yếu tố bên ngoài, trong đó có việc thị trường chứng khoán lẫn tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, nghĩa là nền tảng vĩ mô chung chưa tích cực. Thị trường chứng khoán quốc tế đã không hào hứng như thị trường Việt Nam. Theo anh, điều này có đáng quan ngại hay không?
Theo quan sát của tôi, chứng khoán tại một số thị trường mới nổi thực ra đã tăng sau thông tin FED chưa tăng lãi suất. Điều này cũng hợp logic, do đây là nhóm dự báo sẽ bị tác động mạnh nhất bởi việc FED tăng lãi suất, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chậm lại.
Theo tôi, trong ngắn hạn không có gì đáng ngại, bởi dòng tiền nước ngoài vốn dè dặt trước cuộc họp của FOMC, FED có thể sẽ quay trở lại các thị trường mới nổi/thị trường biên, trong đó có bao gồm cả Việt Nam.
Tuy nhiên, rủi ro trung và dài hạn là điều đáng ngại hơn, bởi viễn cảnh kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng chung đến nhóm các nước đang phát triển và thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là các thị trường mới nổi. Việt Nam cũng nằm trong khu vực các thị trường mới nổi/thị trường biên nên bị ảnh hưởng chung là điều có thể dự đoán.
Trong trường hợp ủng hộ một cơ hội tăng của thị trường, điều anh mong đợi nhất là gì?
Tôi trông đợi dòng tiền nước ngoài sẽ quay trở lại, hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn.
Lực cầu từ nhà đầu tư trong nước tỏ ra mạnh mẽ khi hai quỹ ETFs tiến hành giao dịch cuối cùng. Anh có tham gia mua hay không, mức phần bổ vốn hiện là bao nhiêu?
Với dự báo khả năng thị trường sẽ dao động trong khoảng 500 - 600 điểm, chứ khó có “uptrend” mạnh từ nay đến cuối năm, tôi thường sẽ không tăng mua cổ phiếu khi thị trường tăng về vùng cận trên.
Tôi sẽ canh bán nếu thị trường tiếp tục tăng về vùng 600 điểm, hoặc cổ phiếu nắm giữ đạt mức giá kỳ vọng. Trạng thái cổ phiếu/tiền mặt vẫn đang ở mức 20/80.
Trường hợp thị trường điều chỉnh về vùng cận dưới, tôi sẽ tăng tỷ trọng cổ phiếu trở lại.
Theo VnEconomy