Quay lại

Mặc dù cả tuần qua thị trường chỉ lình xình với VN-Index tăng giảm thất thường, nhưng đa số chuyên gia vẫn giữ quan điểm tích cực.

Hiện tượng trồi sụt như tuần qua vẫn chưa được xem là xấu, dù vẫn có một vài ý kiến thận trọng. Các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn không cho rằng đó là các dấu hiệu của hiện tượng phân phối đỉnh. Áp lực bán ra như vậy là bình thường trong bối cảnh thanh khoản duy trì liên tục ở mức cao.

Mặc dù vậy vẫn có quan điểm thận trọng để ngỏ khả năng thị trường sẽ điều chỉnh. Lý do là sự yếu đi của các cổ phiếu vốn hóa lớn trong tuần qua. Thị trường nếu có thể bật tăng thì cũng sẽ chạm tới vùng kháng cự mạnh hơn ở 730-735 điểm và có rủi ro quay đầu tại đây.

Các quan điểm đối lập trong tuần này đã đem lại hành động khác nhau. Với quan điểm lạc quan tích cực nhất, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu được tăng lên 100% và có xem xét khả năng sử dụng đòn bẩy. Quan điểm thận trọng nhất giảm mạnh danh mục xuống còn 30%. Tỷ trọng phân bổ chủ yếu còn lại là 70%.

VN-Index tuần này gần như không nhúc nhích được, chỉ tăng có 0,02% so với cuối tuần trước. Diễn biến đáng chú ý nhất của thị trường là rất nhiều nhịp tăng lên trong ngày rồi lại tụt giảm trở lại. Có vẻ thị trường đang bị bán ra nhiều và lại kéo dài trong cả tuần. Anh có lo ngại đó là hiện tượng phân phối đỉnh hay không?  

Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Chứng khoán MB (MBS)

Về mặt kỹ thuật, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng trung và dài hạn, mặc dù điểm số tăng trưởng không nhiều nhưng chắc chắn, qua đó liên tục chinh phục những đỉnh cao mới, đây là tín hiệu rất tích cực.

Mặt khác, khối lượng giao dịch luôn duy trì ở mức trên 200 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 4.500 tỷ/phiên cho thấy dòng tiền vẫn ở trong thị trường, chưa có dấu hiệu phân phối đỉnh.

Tôi vẫn tự tin cho rằng thị trường trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2017 sẽ rất tích cực và VN-Index sẽ còn chinh phục nhiều đỉnh cao hơn nữa.

Thị trường trong tuần xuất hiện khá nhiều thông tin hỗ trợ liên quan đến mùa đại hội cổ đông đang diễn ra. Tuy nhiên có vẻ như các cổ phiếu đã không phản ứng mạnh. Thậm chí một số doanh nghiệp đã công bố ước tính kết quả kinh doanh quý 1 nhưng thị trường vẫn khá thờ ơ. Anh đánh giá thế  nào về diễn biến đó?

Sau sóng tăng mạnh từ đầu tháng 12, lẽ ra thị trường sẽ có một sóng điều chỉnh tương đối hấp dẫn để thu hút dòng tiền mới, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa diễn ra một đợt điều chỉnh thực sự nào. Chính vì vậy, tâm lý chung vẫn đang thận trọng và mức độ hấp thụ thông tin vẫn còn hạn chế.

Ngoài ra, trong tháng 3 chỉ có số ít các doanh nghiệp tiến hành Đại hội cổ đông nên chưa tạo được sự cộng hưởng lớn, tôi cho rằng điều này sẽ tích cực hơn trong tháng 4.

Quy mô mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 3 là khá cao, đặc biệt nhưng ngày cuối tuần trong 2 tuần nay. Theo anh đó chỉ là các động thái mua vào dịp chốt NAV cuối quý 1, hay là nguồn vốn gia tăng một cách thật sự?

Tôi cho rằng tính hiệu mua ròng rất mạnh của nhà đầu tư nước ngoài trong những tuần vừa qua tạo ra hiệu ứng tâm lý khá lạc quan cho các nhà đầu tư trong nước.

Hiện tại rất khó bóc tách dòng tiền giải ngân của khối này là mới hay cũ, tuy nhiên chúng ta có thể nhìn lại năm 2016 là năm có số lượng tài khoản nước ngoài đặt mức kỷ lục, vì vậy tôi tin rằng tỷ trọng đóng góp của dòng vốn mới là không hề nhỏ.

Dao động tương đối mạnh ở nhiều cổ phiếu trong tuần có lẽ là cơ hội để trading ngắn hạn. Anh có giao dịch trong tuần hay không? Mức phân bổ danh mục hiện tại như thế nào?

Theo đúng kế hoạch, tôi đã bắt đầu giải ngân lại trong tuần rồi và sẽ tiếp tục giải ngân trong tuần này nếu có các mức giá tốt. Danh mục giải ngân vẫn tập trung vào các cổ phiếu đang nắm giữ thuộc các ngành như xây dựng, vật liệu xây dựng, bán lẻ, tiêu dùng, dịch vụ và đầu tư. Tỷ trọng 100% tiền mặt hoặc có thể xem xét dùng một ít đòn bẩy để tối đa hóa lợi nhuận trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

Theo VnEconomy

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang