Quay lại

 

Tuần giao dịch sôi động với các quỹ ETF đã được các nhà phân tích nhìn nhận một cách tích cực, ngay cả khi đã bóc tách các giao dịch nổi trội của khối ngoại.

Mặc dù các ý kiến đều nhìn nhận về yếu tố đột biến trong giao dịch tuần qua, nhưng có nhiều cơ sở để lạc quan, đặc biệt là sức mạnh của nhà đầu tư trong nước cũng được thể hiện với quy mô giao dịch khoảng 2.000 tỷ đồng, cổ phiếu không chịu ảnh hưởng của ETFs cũng giao dịch khởi sắc, chỉ số đang ở mức hỗ trợ và nhiều thông tin tích cực liên quan đến kết quả kinh doanh quý 1/2015.

Tuy vậy, điều khiến các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn quan tâm là thanh khoản cần tiếp tục gia tăng. Vẫn có ý kiến quan ngại lớn về thanh khoản ở mức thấp và việc các quỹ ETF giao dịch lớn không đủ để lôi kéo thanh khoản tốt hơn.

Các đánh giá khác nhau đã dẫn tới mức độ tham gia thị trường khác nhau. Nếu so với tuần trước thì chiến lược gia tăng tỷ trọng đã chiếm ưu thế, với mức giải ngân cao nhất được ghi nhận là 80%. Mức giải ngân thận trọng nhất vẫn là 30%.

Tuần qua diễn biến đáng chú ý nhất chắc chắn là giao dịch của ETF. Tuy nhiên các giao dịch này lại tạo ra mức thanh khoản đột biến bất thường. Anh chị đánh giá thế nào về sức mạnh dòng tiền tuần qua? Liệu giao dịch lớn của ETF có lôi kéo thanh khoản tốt hơn trong tuần này?

Thanh khoản tăng đột biến trong phiên cuối cùng của tuần ETF review danh mục là diễn biến bình thường, không có gì ngạc nhiên. Nếu loại trừ hoạt động của ETF, thanh khoản vẫn đang ở mức thấp so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Tôi vẫn tiếp tục quan điểm là hiện dòng tiền nội đang bị ảnh hưởng động bởi Thông tư 36 và lo ngại về Dự thảo sửa đổi Thông tư 210, trong khi cung-cầu dự báo sẽ bất lợi cho khả năng thị trường có thể tăng mạnh mẽ trong thời gian tới, do đó thanh khoản dự báo vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Tôi không cho rằng giao dịch của ETF trong tuần này sẽ lôi kéo được thanh khoản tốt hơn trong tuần này.

Phiên tăng điểm cuối tuần không lấy lại được bao nhiêu so với điểm số đã mất. VN-Index vẫn giảm khoảng 1,8%. Trên quan điểm kỹ thuật, anh chị đánh giá thị trường như thế nào?

Ngoại trừ phiên giao dịch cuối tuần tích cực nhờ hoạt động mua ròng mạnh của khối ngoại (ETF review danh mục), trên quan điểm kỹ thuật, tôi nhận thấy lực cầu nhìn chung khá yếu.

Kể từ khi VN-Index đạt đỉnh ngắn hạn 602 điểm vào ngày 5/3/2015, chỉ số này vẫn đang trong xu hướng giảm dần và lần lượt phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ.

Nếu không có thông tin mới hỗ trợ đáng kể, tôi cho rằng khả năng thị trường bật tăng mạnh trở lại là khá hạn chế. Thị trường có lẽ sẽ tiếp tục tích lũy một thời gian nữa.

Thị trường sụt giảm khá nhiều trong tuần và tạo cơ hội mua tốt, nhưng cũng lại có quan điểm lo ngại xu thế tăng đã “gãy”. Anh chị đánh giá rủi ro thế nào?Mức phần bổ tỷ trọng vốn hiện tại là bao nhiêu?

2015 là năm phân hóa mạnh giữa các cổ phiếu, với tôi việc lựa chọn cổ phiếu cụ thể quan trọng hơn là xu thế tăng đã “gãy” hay không.

Hiện tại tôi vẫn đang duy trì tỷ lệ cổ phiếu thấp (tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt 30/70) và dự kiến sẽ tăng dần tỷ trọng cổ phiếu nằm trong danh mục theo dõi, khi giá cổ phiếu điều chỉnh giảm về vùng đủ hấp dẫn.

Rủi ro ngắn hạn vẫn còn. Tuy nhiên về dài hạn, tôi vẫn lạc quan trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn đang hồi phục vững chắc, hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang tiến triển.

Thị trường đang xuất hiện quan ngại không nhỏ về biến động tỷ giá USD/VND những ngày qua. Ngày 19/3 vừa rồi quỹ ETF V.N.M cũng bị rút ròng 1 triệu chứng chỉ, giá giảm mạnh và discount tới 1,88%. Liệu những biến động này có dẫn tới những ảnh hưởng của dòng vốn ngoại tới đây?

Biến động tỷ giá gần đây có thể là do i) tác động của việc đồng USD đã liên tục tăng giá, ii) Việt Nam đã nhập siêu trở lại (hai tháng đầu năm nhập siêu khoảng 1,2 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 1,35 tỷ USD) và iii) hoạt động đầu cơ.

Tuy nhiên, quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ không để tỷ giá biến động quá mạnh (biên độ mục tiêu 2% trong năm 2015), do đó tôi không cho rằng rủi ro tỷ giá là đáng lo ngại trong năm 2015, mặc dù có thể mức độ điều chỉnh tỷ giá USD/VND có thể sẽ cao hơn một chút so với kế hoạch 2% trong năm nay.

Do vậy, rủi ro tỷ giá không phải là mối quan ngại chính ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại trong thời gian tới đây.

Sự kiện quỹ ETF VNM bị rút ròng 1 triệu chứng chỉ và discount tới 1,88% là một diễn biến bình thường, dòng tiền có ra có vào. Do đó, tôi không cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại trong thời gian tới.

Trong trung hạn, yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại chính là chính sách nới room theo Nghị định 58, và FED có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong nữa cuối năm nay. Do vậy, chúng ta cần theo dõi chặt chẽ các yếu tố này trong thời gian tới.

Theo VnEconomy

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang