Bán bớt cổ phiếu và duy trì tiền mặt lớn là chiến thuật được áp dụng trong ngắn hạn.
Với sự thận trọng cao độ trong tuần trước, không có gì bất ngờ khi các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn đã thực hiện giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống trong nhịp tăng mạnh vừa rồi.
Đánh giá nhịp phục hồi vừa qua cần phải được tích lũy thêm, các ý kiến nhìn nhận cơ hội phục hồi của thị trường là thấp do tâm lý thận trọng quay lại cũng như thiếu tự tin vào một xu thế tăng thật sự.
Tuy nhiên nhịp điều chỉnh tuần này vẫn chưa phát đi tín hiệu xấu. Các chuyên gia cho rằng khả năng vùng 540-550 điểm sẽ mang tính hỗ trợ trong ngắn hạn.
Những thông tin được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường trong tháng 9, thậm chí có thể tạo đột phá, là những quy định chi tiết về mở room cho các ngành nghề có điều kiện; kết quả kinh doanh quý 3 và câu chuyện lãi suất USD.
Tuy chỉ có 4 phiên giao dịch tuần này nhưng diễn biến khá sát với những phân tích của anh chị trong tuần trước: Thị trường đã có một nhịp điều chỉnh ngắn và chỉ tăng lại với mức độ nhẹ trong ngày cuối tuần. Điểm nhấn của thị trường chính là thanh khoản sụt giảm cực mạnh. Anh nhìn nhận hiện tượng này như thế nào, có đáng lo ngại hay không?
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Thanh khoản sụt giảm vừa thể hiện bên mua vẫn ngại rủi ro nhưng mặt khác cũng cho thấy bên bán cũng không quyết liệt.
Điều này phản ánh tâm lý nhà đầu tư vừa thấy mặt bằng giá cổ phiếu Việt Nam hiện ở mức khá rẻ (P/E 10.88) so với các thị trường trong khu vực (P/E thị trường Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia và Indonesia lần lượt ở mức 17.10, 15.58, 16.14 và 22.86, đều cao hơn thị trường Việt Nam) trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn đang hồi phục khá tốt.
Tuy nhiên nhà đầu tư cũng lo ngại rủi ro, chủ yếu xuất phát từ bên ngoài, cụ thể là từ sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc, ảnh hưởng đến khu vực nói chung. Trong bối cảnh đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tuần này cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Đã có một bộ phận nhà đầu tư lo ngại về một cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu, xuất phát từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi cho rằng tình hình không đến mức bi quan như vậy. Các dự báo gần đây của các tổ chức lớn như WB, IMF, Merrill Lynch đều tiếp tục lạc quan với triển vọng kinh tế của Mỹ, khu vực đồng Euro và Nhật Bản. Lo ngại có chăng chỉ là đặc biệt đối với Trung Quốc, ảnh hưởng cục bộ đến một số quốc gia có liên quan.
Như vậy, tạm thời thị trường Việt Nam đang bị ảnh hưởng khá lớn cả về mặt tâm lý và dòng tiền (nước ngoài bán ròng) nên mặc dù giá rẻ vẫn chưa đủ kích thích được lực mua mạnh. Có lẽ thị trường chờ đợi thêm những yếu tố hỗ trợ (catalysts) và nước ngoài dừng mua ròng để có thể tăng trở lại.
Tuần trước tuy tỏ ra thận trọng nhưng anh chị không quá bi quan mà chỉ dự kiến một nhịp điều chỉnh tích lũy sau nhịp tăng nhanh và mạnh. Vậy anh chờ đợi một mức điều chỉnh đến đâu? Có nên nhìn nhận phiên phục hồi vào cuối tuần như là một tín hiệu tích cực?
Chỉ một phiên hồi phục vào cuối tuần rất khó để khẳng định thị trường đã tích cực trở lại.
Như tôi đã phân tích ở trên, hiện tại thị trường Việt Nam đang chịu ảnh hưởng khá lớn bởi yếu tố bên ngoài, ảnh hưởng đến cả tâm lý và dòng tiền. Do đó nếu nước ngoài tiếp tục bán ròng thì khả năng thị trường tiếp tục điều chỉnh là có.
Tuy nhiên ngoài rủi ro bên ngoài, về mặt chu kỳ kinh tế và đầu tư nội tại của Việt Nam, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn khá tốt để đầu tư cổ phiếu. Do đó tôi cho rằng thị trường điều chỉnh sẽ mở ra cơ hội thu hút dòng tiền đầu tư trở lại.
Sự kiện mở room đã gây một chút thất vọng trên thị trường tuần này trong khi đó từng là sự kiện được kỳ vọng lớn. Vậy anh có kỳ vọng thông tin hay sự kiện tích cực nào trong tháng 9 khả dĩ tạo điều kiện cho thị trường phục hồi tốt hơn?
Một sự kiện quan trọng trong tháng 9 là cuộc họp của Ủy ban FOMC của Fed trong 2 ngày 16-17/9. Nếu Fed quyết định chưa tăng lãi suất ngay tại thời điểm này (các dự báo gần đây đang nghiêng về hướng tạm thời Fed sẽ chưa tăng lãi suất), đó có thể sẽ là một thông tin tích cực đối với thị trường trong ngắn hạn.
Một khoản lãi không nhỏ và tương đối an toàn trong nhịp phục hồi vừa qua. Anh đã giải ngân từ tuần trước, vậy có thực hiện chốt lời ngắn hạn hay không, mức phân bổ vốn hiện tại như thế nào?
Tôi vẫn giữ nguyên tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt 70/30 như tuần trước với những cổ phiếu có những câu chuyện cụ thể. Tôi tin rằng việc lựa chọn cổ phiếu tốt vẫn sẽ có cơ hội mang lại lợi nhuận lúc này.
Theo VnEconomy