Dấu hiệu bán ra mạnh với các blue-chips của vốn ngoại cuối tuần qua đã khiến các chuyên gia thêm cảnh giác vào thời điểm nhạy cảm này.
Kể cả khi thị trường có hai ngày bùng nổ đầu tuần thì các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn vẫn giữ nguyên quan điểm từ tuần trước đó và đứng ngoài quan sát. Thị trường được đẩy lên cao nhất rồi tụt giảm liền 3 phiên cuối tuần đã củng cố thêm quan điểm thận trọng lúc này. Quan ngại thị trường đạt đỉnh ngắn hạn chiếm ưu thế.
Việc giao dịch của khối ngoại có sự khác lạ trong phiên cuối tuần khiến các chuyên gia cảnh giác về khả năng đảo chiều của dòng vốn nóng thông qua P-notes được đề cập đến gần đây. Dòng vốn này được cho là nhạy cảm với biến động tăng lãi suất USD trong tháng 6 và điều này có thể gây áp lực thêm cho thị trường, vốn đang ở đỉnh cao nhất của năm 2016.
Các giao dịch giảm cổ phiếu tiếp tục được thực hiện trong tuần này và đã có chuyên gia giải phóng danh mục và đứng ngoài thị trường. Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu cao nhất là 70%, trong đó danh mục ngắn hạn có kế hoạch giảm xuống trong tuần tới.
Thị trường hơi khác những gì anh dự kiến trong tuần trước một chút, khi có một nhịp bùng nổ đầu tuần lên cao nhất 628 điểm nhưng kết tuần lại trở về vị trí xuất phát. Trên phương diện kỹ thuật thì 3 phiên giảm liên tiếp là một dấu hiệu không tốt. Tuần trước đa số anh đã cảm thấy rủi ro cao trong khu vực này, liệu 3 phiên giảm liên tục cuối tuần có khiến cảm giác đó trở nên chắc chắn hơn không? Nếu thị trường thực sự đã đạt đỉnh, đâu là những dấu hiệu xác nhận mà anh chờ đợi và ngược lại những khả năng nào sẽ đẩy thị trường lên cao hơn?
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, Chứng khoán MBS
Thị trường tiệm cận vùng đỉnh cũ nên nhà đầu tư thận trọng hơn là điều dễ hiểu nhưng theo tôi, còn quá sớm để cho rằng thị trường đã tạo đỉnh.
Thị trường vẫn giữ được mốc 610 điểm và dòng tiền từ khối ngoại cũng chỉ mới bán ròng trở lại một hai phiên gần đây do vậy chưa thể xác nhận khối ngoại đã quay trở lại bán ròng.
Giai đoạn này, hoạt động mua bán của khối ngoại có ảnh hưởng khá lớn đến chỉ số, do vậy cần quan sát động thái của khối ngoại trong các phiên tới.
Giao dịch mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã đảo chiều vào ngày cuối tuần và tác động là không nhỏ. Thời gian gần đây các quỹ ETF không có vốn mới hoặc bị rút (FTSE) nhưng giao dịch mua của khối ngoại vẫn mạnh và nguyên nhân được cho là từ dòng tiền P-notes. Liệu việc bán ra ở phiên cuối tuần có đáng lo ngại về khả năng dòng vốn nóng này đảo ngược, nhất là khi khả năng tăng lãi suất USD trong tháng 6 tới đang rất cao?
Việc dự đoán xu hướng của khối ngoại luôn rất khó khăn, do vậy chỉ mới một hai phiên chưa thể kết luận là khối ngoại đã quay trở lại bán ròng. Ngay cả khả năng tăng lãi suất của Fed trong tháng 6 tới cũng chưa rõ ràng khi chỉ báo lạm phát vẫn chưa chạm mức mục tiêu.
Tôi sẽ theo dõi sát sao diễn biến dòng tiền khối ngoại đối với VCB trong các phiên tới. Đây chính là mã đã khởi đầu cho nhóm ngân hàng thu hút dòng tiền khối ngoại trong thời gian vừa rồi, giúp VN-Index vượt ngưỡng 600 và tiếp tục chinh phục những mốc cao hơn sau đó. Nếu khối ngoại bán ròng VCB trong các khiên tới, khả năng thị trường tiếp tục điều chỉnh là khá lớn.
Thị trường từ 2 tuần nay vẫn âm ỉ hi vọng về một đợt tăng trưởng mạnh trung với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sang Việt Nam. Phản ứng trước hết có thể nhìn thấy như cổ phiếu dệt may hay thủy sản. Liệu đó có phải là động lực thực tế, hay chỉ là lý do chủ quan?
Tôi cho rằng tác động từ sự kiện Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam không nhiều và cũng chỉ mang tính ngắn hạn. Thị trường có lẽ sẽ nhìn về tương lai nhiều hơn là chuyến thăm của một tổng thống sắp kết thúc nhiệm kỳ.
Tuần trước anh đã chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống. Anh có hoạt động giao dịch trong tuần này hay không, mức phân bổ vốn như thế nào?
Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm nếu chọn đúng cổ phiếu có câu chuyện đủ hấp dẫn trong giai đoạn này thì hiệu quả đầu tư vẫn sẽ có kết quả tốt. Thực tế những cổ phiếu trong danh mục của tôi trong giai đoạn vừa rồi đã cho thấy điều đó. Tiếp tục giữ nguyên tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt 70%/30%.
Theo VnEconomy