Quay lại

Biến động mạnh của thị trường tuần qua đã chứng kiến hoạt động bắt đáy khá mạnh và 4/5 chuyên gia cũng tham gia với tỷ trọng nhỏ.

Các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn đã thực hiện các chiến lược giao dịch khác nhau trong thời điểm thị trường xảy ra bán tháo ngày 9/11. Với tỷ trọng cổ phiếu không cao trước đó, 4/5 chuyên gia đã mua vào nhằm mục đích ngắn hạn, 1 người thực hiện cắt lỗ giảm tỷ trọng. Mức sở hữu cao nhất hiện tại là 70% cổ phiếu.

Mặc dù có được lợi thế nhất định trong các giao dịch bắt đáy đúng thời điểm, nhưng các chuyên gia vẫn đánh giá đây chỉ là các cơ hội ngắn hạn. Yếu tố được chú ý là dòng tiền vào thị trường không mạnh và bối cảnh hiện tại không giống với thời điểm diễn ra sự kiện Brexit mà sau đó VN-Index đạt được đỉnh cao mới.

Các chuyên gia thống nhất cho rằng thị trường có thể đi vào tích lũy và có sự phân hóa giữa các dòng cổ yếu. Yếu tố được lưu ý còn là khả năng bị bóp méo ở chỉ số, đồng thời các thông tin hỗ trợ không đủ mạnh để có thể khởi động ngay một sóng tăng mới.

Thị trường tuần này thật sự thú vị với biến động bất ngờ ngày 9/11 khi ảnh hưởng của kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ không như dự đoán – trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên cũng đã có lúc thị trường chao đảo dữ dội. Anh suy nghĩ và hành động gì trong thời khắc đó?

Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Chứng khoán MB (MBS)

Rõ ràng chúng ta đã trải qua một tuần giao dịch với rất nhiều cảm xúc, đặc biệt phiên giao dịch ngày 9/11 với sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ đã có lúc thị trường giảm gần 20 điểm rồi sau đó phục hồi dần vào cuối phiên. Đây được xem là phiên giao dịch có mức độ biến động nhiều nhất kể từ sự kiện Brexit diễn ra ngày 24/6/2016 đến nay.

Tuy nhiên những diễn biến trên thị trường không gây cho tôi nhiều bất ngờ vì nó trở nên quen thuộc khi thế giới diễn ra những sự kiện lớn, việc tâm lý nhà đầu tư liên tục thay đổi cũng là điều dễ hiểu và chúng ta nên chuẩn bị sẵn kế hoạch để tránh những hành động gây thiệt hại không đáng có.

Với phiên giao dịch ngày 11/9 tôi có mua vào một vài cổ phiếu tốt có sẵn trong danh mục để trading ngắn hạn và điều đó đã phát huy hiệu quả.

Thị trường đang tăng, với VN-Index đi cao hơn 1,9% so với tuần trước. Đang có lối suy nghĩ về một cơ hội lặp lại giống trường hợp Brexit hồi tháng 6 vừa rồi. Anh đánh giá thế nào về điều này, liệu đó sẽ là một nhịp tăng mới, hay chỉ là biến động ngắn hạn?

Theo tôi nền tảng thị trường hiện nay có nhiều khác biệt so với thời điểm diễn ra sự kiện Brexit, đặc biệt là các chỉ số thị trường đã có nhiều thay đổi đồng thời có sự sụt giảm rất mạnh về mặt dòng tiền.

Trong ngày diễn ra sự kiện Brexit giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 6.200 tỷ nhưng phiên ngày 9/11 vừa qua chỉ có 2.210 tỷ được giao dịch, con số này nói lên được rất nhiều điều.

Với tôi, thị trường hiện tại vẫn đang trong giai đoạn tích lũy, chưa có dấu hiệu chắc chắn nào cho thấy thị trường sẽ bắt đầu nhịp tăng. Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn đến danh mục mình đang nắm hơn là nhìn chỉ số thị trường, vì theo tôi chỉ số đã có sự méo mó nhất định.

Thanh khoản hai phiên cuối tuần không cao như thể thị trường đi lên trong nghi ngờ. Nếu đặt cược vào một xu thế tăng mới, đâu sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường?

Trong giai đoạn hiện nay có rất ít thông tin hỗ trợ, chỉ đâu đó một vài doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh hàng tháng hoặc tạm ứng cổ tức, phần còn lại đang có khoảng trống về thông tin.

Vì vậy, tôi cho rằng yếu tố thời gian là quan trọng nhất, khi thị trường đã tích lũy đủ thị tự nó sẽ có độ bật và tạo ra một chu kỳ tăng giá mới.

Hàng ngàn tỷ đồng đã bắt đáy hôm 9/11, anh thì sao? Tỷ lệ phân bổ hiện tại như thế nào?

Như đã trao đổi ở trên, tôi chưa tăng thêm tỷ trọng nắm giữ ở giai đoạn hiện nay mà tiếp tục duy trì chiến lược trading với các cổ phiếu trong danh mục khi có cơ hội.

Theo VnEconomy

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang