Sự phân hóa trong quan điểm về thị trường đã cao hơn khi các chuyên gia trong toạ đàm “Xu thế dòng tiền” có nhiều khác biệt trong đánh giá phiên giao dịch ngày thứ Sáu, cũng như các quyết định giao dịch.
Điều này cũng phản ánh một phần của thị trường khi xuất hiện những đợt bán tháo mạnh mẽ và các giao dịch bắt đáy tạo giá phục hồi trong ngày cuối tuần. Với kinh nghiệm bản thân, các chuyên gia cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy phiên giao dich ngày thứ Sáu có thể là một phiên wash-out, nhưng có phải là phiên cuối cùng hay không thì lại chưa chắc chắn.
Những lo ngại chủ yếu là giai đoạn hiện tại thị trường đang gặp nhiều thông tin bất lợi. Một trong những biểu hiện mới là hoạt động bán ròng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù có nhận định chung là khối ngoại đang bán ra và ảnh hưởng tới thị trường, nhưng nguyên nhân của việc bán này lại không thống nhất. Có nhiều đánh giá khác nhau với quan điểm lo ngại nhất là những bất ổn vĩ mô đang làm xáo trộn dòng vốn ngoại. Quan điểm tích cực nhất cho rằng có khả năng các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang lướt sóng dựa trên những biến động mạnh gần đây.
Các quyết định giao dịch cũng có sự khác biệt tương xứng với quan điểm đánh giá thị trường. Chỉ có 2/5 chuyên gia thực hiện giải ngân, đều là những người đã có quan điểm thận trọng trong các tuần trước, thậm chí là đứng ngoài thị trường 100%.
Các chuyên gia còn lại đều giữ quan điểm rất thận trọng đối với hoạt động bắt đáy thời điểm này.
Tuần này là tuần thứ 4 liên tục thị trường sụt giảm với tốc độ ngày càng lớn và mức độ hoảng loạn còn cao hơn nhiều so với tuần trước. Mức rơi tới gần 24 điểm của VN-Index ngày thứ Sáu có được xem là một phiên rũ bỏ (wash-out) cuối cùng hay chưa?
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, CT Chứng khoán MB (MBS)
Theo tôi có lẽ không ai dám khẳng định một cách chắc chắn phiên ngày thứ Sáu là phiên wash-out cuối cùng.
Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy xác suất cao đúng là như vậy: thanh khoản tăng cao, mức sụt giảm rất mạnh trong phiên cùng với hoạt động bán giải chấp quyết liệt, lực cầu bắt đáy xuất hiện và thị trường hồi phục ngay trong phiên.
Ngoài ra thị trường cũng đã giảm đến gần 16% từ đỉnh tính từ đầu năm thiết lập trong tháng 7.
Liên tiếp các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật đã bị xuyên thủng trong gần một tháng qua, thậm chí những ngưỡng điểm số rất thận trọng của anh cũng đã bị vượt qua. Từ góc độ kỹ thuật, anh đánh giá rủi ro của thị trường lúc này như thế nào?
Bộ phận phân tích kỹ thuật của chúng tôi nhận định thị trường đang xác lập vùng đáy quanh mức 540 +/- 10 điểm. Như vậy dưới góc độ kỹ thuật, nếu không có biến động gì khác quá lớn, rủi ro tiếp tục giảm điểm mạnh là không lớn.
Trong bối cảnh rối loạn của thị trường thì nhà đầu tư nước ngoài lại đang bán ròng rất mạnh. Nếu nhìn vào quá khứ thì tháng 8 trong 4 năm vừa qua các quỹ ETF đều bị rút vốn ròng. Liệu động thái bán ròng này mang tính quy luật hay còn cả những lo ngại liên quan đến vĩ mô?
Tôi không nghĩ hiện tượng bán ròng này là một quy luật hàng năm. Hiện tại không riêng gì Việt Nam, mà các thị trường mới nổi/thị trường biên khác trên thế giới đều bị rút ròng; dòng tiền mới thì tạm hoãn giải ngân thêm.
Có lẽ rủi ro đang tăng lên tại các thị trường này, đặc biệt sau động thái phá giá nhân dân tệ, đã khiến các nhà đầu tư lo ngại sẽ còn có những đợt phá giá tiếp theo, có thể ảnh hưởng đến đồng tiền các quốc gia tại các khu vực thị trường mới nổi/thị trường biên.
Rủi ro tỷ giá là một nguyên nhân quan trọng khiến cho các nhà đầu tư tạm tránh các thị trường mới nổi, mà chuyển dòng tiền sang các khu vực ít có rủi ro tỷ giá hơn.
Cầu bắt đáy khá mạnh trong phiên cuối tuần tỏ ra có hiệu quả khi dừng được đà giảm của thị trường. Anh có gia tăng vị thế cổ phiếu hay không, mức phân bổ vốn hiện tại như thế nào?
Cá nhân tôi cho rằng dù rủi ro vẫn còn, tôi nghĩ đây là cơ hội để có thể mua được cổ phiếu tốt với giá rẻ.
Sau khi đã giải ngân đến 50% danh mục cho cổ phiếu ưa thích, tôi tạm dừng lại ở mức đó như một cách tuân thủ kỷ luật tại thời điểm có quá nhiều biến động lớn. Phân bổ vốn cổ phiếu/tiền mặt hiện tại của tôi là 50/50.
Theo VnEconomy