Có khá nhiều nguyên nhân khả dĩ lý giải hiện tượng bán tháo mạnh mẽ trên thị trường tuần qua, nhưng các chuyên gia cho rằng đã có sự cộng hưởng thất vọng, và yếu tố biến động tỷ giá giữ vị trí trung tâm.
Đợt điều chỉnh biên độ tỷ giá lần này có sự khác biệt trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn hơn, đặc biệt là Trung Quốc. Thông tin tiêu cực này xuất hiện đúng vào thời điểm thị trường đang rất mong manh giữ khả năng tăng và giảm, nên đã dẫn đến sự thay đổi lớn hơn và phản ứng mạnh hơn.
Điều khiến các chuyên gia lo ngại là không rõ các diễn biến tiếp theo của câu chuyện tỷ giá sẽ như thế nào. Vị thế chủ động trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước đang dần phải nhường chỗ cho những yếu tố khó lường, ngoài tầm kiểm soát.
Mặc dù có các dự đoán khác nhau về động thái tiếp theo, nhưng quan điểm chung là mọi khả năng đều vẫn còn để ngỏ, điều này làm gia tăng rủi ro trên thị trường chứng khoán.
Thị trường tuần này đã không chỉ điều chỉnh sâu hơn ngưỡng 600 điểm như dự đoán của anh chị tuần trước mà còn sụt giảm trong tình thế hoảng loạn. Việc tỷ giá điều chỉnh đã từng xảy ra, nhưng tại sao lần này lại có hiệu ứng lớn như vậy?
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, Chứng khoán MB (MBS).
Theo tôi đợt điều chỉnh biên độ tỷ giá lần này có sự khác biệt là trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn hơn, đặc biệt là Trung Quốc. Có ý kiến lo ngại khả năng đồng Nhân dân tệ có thể tiếp tục bị phá giá và ảnh hưởng tiêu cực sẽ còn tiếp tục.
Như vậy câu chuyện quan tâm bây giờ là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Tuần trước anh cho rằng vẫn chưa có sự rũ bỏ triệt để lượng cổ phiếu kẹt giá cao và nhất lượng lượng margin. Vậy mức độ bán tháo tuần này đã đủ chưa?
Như đã đề cập trước đây, mối quan tâm của tôi lúc này là các cơ hội cụ thể hơn là mức độ bán tháo chung trên thị trường.
Câu chuyện phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc là tâm điểm của tuần này. Từ góc độ phân tích cơ bản, anh đánh giá về mức độ tác động cũng như tính chất dài hơi của sự kiện này với thị trường như thế nào? Anh có lo ngại vấn đề này ảnh hưởng tới xu thế chung thời gian tới hay không?
Tôi nghĩ mức độ tác động từ chuyện phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đến khu vực và cả Việt Nam là điều rất rõ ràng trên hai phương diện: thương mại và dòng vốn. Rất nhiều phân tích đã được đưa ra, nên tôi cũng sẽ không phân tích thêm ở đây.
Vấn đề cần quan tâm hơn ở đây là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Nếu việc phá giá Nhân dân tệ dừng lại ở đây thì không có gì quá đáng ngại. Việc đồng tiền của một quốc gia biến động trong khoảng 5% là rất bình thường, nhất là đặt trong bối cảnh chung của thế giới, nhiều đồng tiền đã giảm giá mạnh so với đồng USD trong khoảng 2-3 năm nay. Thị trường sẽ quen dần với sự kiện này và mối quan tâm sẽ quay trở lại các vấn đề trọng điểm trong nước.
Sự lo ngại sẽ thực sự diễn ra nếu quá trình phá giá Nhân dân tệ tiếp tục diễn ra mới mức độ lớn, kéo theo hệ lụy bất ổn cho khu vực và dĩ nhiên là sẽ tác động đến Việt Nam.
Song, tôi cho rằng khả năng xảy ra kịch bản xấu như vậy là thấp, mặc dù không hoàn toàn loại trừ.
VN-Index đã về sát vùng tích lũy cuối tháng 6/2015 và bắt đầu xuất hiện lực cầu bắt đáy. Theo anh có nên bắt đáy vào thời điểm này hay chưa? Vị thế của anh hiện tại như thế nào?
Tôi nghĩ trong đầu tư nên chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau. Tôi hành động trên “base case”, nên với tôi lúc này thị trường giảm là cơ hội, tôi đã tăng tỷ lệ cổ phiếu thêm và hiện giờ tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt là 50%/50%.
Theo VnEconomy