Trước kỳ vọng lớn của thị trường về cơ hội chinh phục mốc 1.000 điểm ngay trong tháng 12 này, các chuyên gia lại có quan điểm khác nhau. Về mặt triển vọng, việc chỉ còn khoảng cách vài chục điểm không phải là nhiều với tốc độ tăng hiện tại. Tuy nhiên, để duy trì tốc độ tăng đó lại là câu chuyện khác.
Theo các chuyên gia, yếu tố thị trường sẽ chịu thêm các tác động khác ngoài tính chất mùa vụ. Đợt đấu giá thoái vốn SAB tới đây có thành công hay không sẽ có ảnh hưởng lớn. Nếu SAB thành công thì khả năng tăng trưởng vượt 1.000 điểm là dễ dàng. Ngược lại, nếu SAB "ế", thị trường có thể gặp khó khăn.
Ngoài ra thị trường có thể xuất hiện các ảnh hưởng mang tính mùa vụ như dịp tháng 12 và Noel thường là thời gian các tổ chức đầu tư thực hiện chốt lời.
Do vẫn còn yếu tố bất thường khó đoán, các chuyên gia tuy đánh giá cao cơ hội tăng trưởng mạnh hơn của thị trường nhưng vẫn duy trì danh mục thận trọng. Tỷ trọng cổ phiếu cao nhất vẫn chỉ là 80% và vẫn có kế hoạch giảm xuống vào trung tuần tháng 12.
VN-Index đã khép lại một tháng 11 ngoài sức tưởng tượng với mức tăng 13,5%, mạnh nhất trong vòng 7 năm qua. Thị trường đã không thật sự điều chỉnh và bây giờ nhà đầu tư đã mơ mộng tới mốc 1.000 điểm ngay trong tháng 12. Đánh giá của anh như thế nào về kỳ vọng này?
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Trong suốt thời gian qua chúng ta đã luôn đánh giá cao về triển vọng trung hạn của thị trường, và quan điểm của tôi vẫn đánh giá cao về điều đó, trong ngắn hạn thời gian qua thị trường có những thời điểm tăng nóng ngoài sức tương tượng, không chỉ tăng mạnh về điểm số mà thanh khoản thị trường cũng luôn luôn lập kỷ lục mới.
Do vậy việc VN-Index chinh phục mức 1.000 điểm trong tháng 12 là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là không quá chú trọng vào điểm số, và thay vào đó là việc lựa chọn danh mục sao cho phù hợp trong bối cảnh làn sóng thoái vốn nhà nước đang tăng cao và tháng 12 cũng là thời điểm nhiều thông tin kết quả kinh doanh quý 4 được dự báo.
Thông tin đáng chú ý nhất tuần qua hẳn là việc xác định giá thoái vốn của Sabeco. Với mức khởi điểm 320.000 đồng, khá cao so với giá định giá nhưng lại thấp hơn giá trên sàn. Nếu được nhà đầu tư đề nghị tư vấn, anh sẽ đánh giá thế nào về phiên đấu giá sắp tới, cơ hội nằm ở đâu? Liệu thị trường sẽ phản ứng thế nào?
Theo tôi Bộ Công Thương đưa ra mức giá khởi điểm cao như vậy cũng là có lý do, bởi:
Thứ nhất: tỷ lệ thoái vốn rất là cao, 343,66 triệu cổ phiếu tương đương 52,39%. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược nắm quyền chi phối và có cơ hội thâu tóm luôn doanh nghiệp khi bộ công thương thoái tiếp 37% còn lại. Trên thế giới có rất nhiều vụ thâu tóm mà giá trị thương vụ cách xa định giá hiện tại của doanh nghiệp.
Thứ 2: xét về góc độ đầu tư, tiềm năng cho ngành bia ở Việt Nam vẫn được đánh giá cao, với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 8-9% trong 10 năm tới, do mức thu nhập trung bình đang có xu hướng tăng lên.
Tuy nhiên đối với nhà đầu tư cá nhân thì tôi cho rằng với mức định giá đó, và hiện chưa biết đối tác nào sẽ mua lại SAB, do vậy sẽ thiếu cơ sở để kỳ vọng về tương lai. Nên tôi sẽ không khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư vào SAB ở thời điểm này.
Còn việc thị trường phản ánh thế nào thì còn phụ thuộc vào kết quả phiên đấu giá, nếu đấu giá thành công thì tâm lý thị trường sẽ hứng phấn và tôi nghĩ giá cổ phiếu SAB có thể tăng thêm (ít nhất là hiệu ứng tâm lý ngắn hạn).
Giá điện vừa được điều chỉnh tăng khá cao, điều này có tác động gì hay không?. Từ góc độ cơ bản, anh có đánh giá hay lời khuyên gì trong việc lựa chọn cổ phiếu?
Tôi chưa rõ câu hỏi này muốn nói tới thị trường chung hay là những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện. Nếu xét về sự tác động của việc tăng giá điện lên nền kinh tế thì rõ ràng là không tốt, bởi chi phí các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có sử dụng điện sẽ tăng cao, và có thể tác động làm tăng CPI, đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi của các chuyên gia về cơ chế vận hành giá điện của Việt Nam.
Nếu xét về tác động lên thị trường chứng khoán thì tôi nghĩ là không đáng ngại, bởi thị trường tăng thời gian qua là vì nhà đầu tư đang kỳ vọng vào những chính sách của chính phủ trong việc hỗ trợ thị trường vốn và thu hút dòng tiền bên ngoài tham gia vào thị trường.
Việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư thì tôi vẫn giữ danh mục thời gian qua. Riêng với nhóm cổ phiếu điện tôi vẫn đánh giá cao tiềm năng của các doanh nghiệp như SBA, CHP… ngoài ra REE cũng là một "key" đầu tư tốt mà tôi đã tư vấn từ đầu năm. Còn việc giá điện tăng mạnh không có nghĩa là giá bán của các công ty điện cho EVN sẽ tăng lên.
Thị trường đang trong giai đoạn "bán là thua, mua là thắng". Anh có mở rộng danh mục hay không và tại sao vẫn duy trì một tỷ trọng thận trọng như vậy?
Tôi vẫn tin tưởng vào thị trường trong trung hạn, tuy nhiên về ngắn hạn tôi vẫn giữ tỷ trọng một phần tiền để trading trong chính danh mục của mình, đây là chiến lược tôi đã chia sẻ thời gian qua.
Nếu "full" danh mục thời điểm hiện tại sẽ rất khó xử lý khi thị trường xảy ra điều chỉnh ngắn hạn (nếu có), trong bối cảnh margin các công ty chứng khoán đang khá cao, và đợt cơ cấu của ETF sắp tới sẽ làm xáo trộn dòng tiền ngắn hạn, và như vậy thì sẽ tự làm khó mình trong việc xử lý danh mục đầu tư.
Hiện tại tôi vẫn giữ danh mục 70% cổ phiếu và 30% tiền.
Theo VnEconomy