Có thể tìm cơ hội ở các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, dệt may, xây dựng và vật liệu xây dựng, dược phẩm, thực phẩm, thủy sản, hàng tiêu dùng...
6 tháng đầu năm tăng tích cực
Thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm ghi nhận diễn biến tích cực cả về điểm số và thanh khoản. Cụ thể, tại sàn HOSE, VN-Index tăng 22,8%, thanh khoản tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015. Tương tự, tại sàn HNX, HNX-Index tăng 18,1%, thanh khoản tương đương cùng kỳ năm 2015.
Trước đó, cuối năm 2015 và nửa đầu tháng 1/2016, nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường như giá dầu giảm về vùng 26 USD/thùng, Fed tăng lãi suất, khối ngoại bán ròng…, khiến các chỉ số chứng khoán giảm mạnh. VN-Index và HNX-Index giảm xuống mức thấp trong 3 năm đã kích thích dòng tiền đầu tư trong nước, khởi đầu cho xu hướng tăng của các chỉ số. Trong khi đó, các doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh khả quan hơn.
Bên cạnh đó, sự hồi phục của giá dầu lên vùng 50 USD/thùng đã kéo theo sự hồi phục của hầu hết các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới và thị trường Việt Nam cũng hưởng lợi từ diễn biến này.
Ngoài ra, Fed không tăng tiếp lãi suất USD trong kỳ họp tháng 3 và tháng 6/2016 là yếu tố tích cực, không gây áp lực lên tỷ giá và là một trong những yếu tố khiến dòng vốn ngoại mua ròng. Không tính giao dịch bán thỏa thuận hơn 3.300 tỷ đồng cổ phiếu VIC, thì khối ngoại đã mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng trên HOSE trong 6 tháng đầu năm; trên sàn HNX, họ mua ròng gần hơn 740 tỷ đồng. Một điểm đáng lưu ý là dòng tiền ngoại chủ yếu đến từ nguồn Pnote mà không phải thông qua các quỹ ETF. Theo thống kê, các quỹ ETF tại Việt Nam đã bị rút ròng hơn 59 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, tương đương với giá trị rút ròng trên 1.200 tỷ đồng.
Tìm cơ hội trong bối cảnh toàn cầu biến động khó lường
Sự kiện Anh bất ngờ quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (sự kiện Brexit) cuối tuần qua, khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn với thị trường trong thời gian tới. Những tác động của Brexit với kinh tế toàn cầu được dự báo theo hướng tiêu cực và bất ổn tại khu vực châu Âu là điều mà cả thế giới đang lo ngại. Đồng Euro và Bảng Anh liên tục mất giá, giá dầu và chứng khoán thế giới đứng trước nguy cơ suy giảm. Cùng với đó, giá vàng tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay là tín hiệu cho thấy sự dịch chuyển của dòng tiền tìm nơi trú ẩn an toàn hơn.
Tuy nhiên, với thị trường chứng khoán Việt Nam, vẫn có nhiều cơ hội trong bối cảnh toàn cầu biến động khó lường. Mặc dù vậy, dòng tiền sẽ có sự phân hóa rõ nét, trong đó các cơ hội đầu tư thực sự tốt là cổ phiếu của các doanh nghiệp có vị thế trong ngành, có kết quả kinh doanh cải thiện tích cực, nhất là các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, dệt may, xây dựng và vật liệu xây dựng, dược phẩm, thực phẩm, thủy sản, hàng tiêu dùng...
Trong 6 tháng cuối năm, diễn biến sự kiện Brexit, biến động của giá dầu và động thái của Fed về việc điều chỉnh lãi suất sẽ là các yếu tố có thể ảnh hưởng lớn tới diễn biến thị trường chứng khoán thế giới, xu hướng dòng vốn quốc tế, tỷ giá của các thị trường mới nổi nói chung và Việt Nam nói riêng. Không loại trừ khả năng sẽ có các đợt suy giảm ngắn hạn của các chỉ số chứng khoán, nhưng nhìn về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế rộng lớn hơn, hỗ trợ cho tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng như thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, qua đó hỗ trợ nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán phát triển. Bên cạnh đó, nỗ lực hoàn thiện các sản phẩm, chính sách về thị trường chứng khoán của cơ quan quản lý sẽ là yếu tố nền tảng giúp Việt Nam có thể sớm được xem xét nâng hạng thị trường từ nhóm “cận biên” lên nhóm “mới nổi”, giúp thu hút thêm dòng vốn nước ngoài, tăng quy mô giao dịch của khối ngoại cũng như quy mô thị trường. Thị trường chứng khoán sẽ sớm trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng và hiệu quả của nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp niêm yết nói riêng.
Đỗ Bảo Ngọc, CTCP Chứng khoán MB (MBS)