Ngày 20/11, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 36 quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Vấn đề được nhà đầu tư chứng khoán quan tâm nhất là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay và tỷ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng.
Để giúp nhà đầu tư hiểu rõ tác động của Thông tư này, chúng tôi đã phỏng vấn các đại diện công ty chứng khoán.
Bài 1: Ông Đỗ Bảo Ngọc – Chuyên gia Nghiên cứu cao cấp MBS: "Thông tư 36 chưa ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn trên TTCK"
Theo anh, Thông tư 36 sẽ tác động ra sao đến TTCK? Liệu, dòng vốn vào thị trường có bị thu hẹp? TTCK sẽ phản ứng ra sao trong ngắn, trung và dài hạn?
Thông tư 36 của NHNN mới ban hành có một số quy định mới điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng của các TCTD đối với hoạt động đầu tư kinh doanh cổ phiểu, cụ thể: tại điều 14 thông tư 36 có 2 điểm đáng lưu ý:
- Các TCTD cho vay đầu tư chứng khoán phải có nợ xấu dưới 3%. (1)
- Tổng mức cấp tín dụng của các TCTD đối với khách hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ. (2)
Đối với quy định nợ xấu phải dưới 3%, thì hiện tại đa số NHTM vẫn có thể đáp ứng được tiêu chuẩn này, tuy nhiên tôi nhận thấy so với đầu năm thì tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống lại đang có xu hướng tăng chậm trở lại, cùng với đó thì tới tháng 03/2015 thông tư 09 (sửa đổi thông tư 02 về quy định phân loại tài sản, trích lập dự phòng của cá TCTD) sẽ chính thức có hiệu lực, khi đó thì các điều kiện phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ theo hướng chặt chẽ hơn và tỷ lệ nợ xấu của các TCTD sẽ tiếp tục tăng lên và không loại trừ khả năng số lượng các TCTD có nợ xấu hơn 3% sẽ tăng lên đáng kể và ảnh hưởng đến tổng tín dụng cho TTCK.
Đối với quy định cho vay không được vượt quá 5% vốn điều lệ, theo số liệu từ NHNN tính tới 30/09/2014 vốn điều lệ của toàn hệ thống TCTD là 435.541 tỷ đồng, tính 5% của mức này thì giới hạn tín dụng mới sẽ ở mức không quá 21.777 tỷ đồng. Đối chiếu với mức sử dụng tín dụng trên TTCK hiện nay thì theo ghi nhận tổng mức cho vay các dịch vụ tài chính như ứng trước, giao dịch ký quỹ (margin)… hiện nay ước tính vào khoảng hơn 17.000 tỷ đồng (số theo cơ quan quản lý công bố), trong số này thì bao gồm cả phần vốn của CTCK và vốn vay từ TCTD.
Như vậy, có thể thấy quy định mới sẽ chưa thực sự ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn trên TTCK, tuy nhiên quy định đã đặt ra một giới hạn cụ thể về mức tín dụng tối đa và thị trường cũng đã ở gần giới hạn này, do đó trong ngắn hạn sẽ tác động tới tâm lý nhà đầu tư, khiến đa số có cảm giác dòng tiền cho thị trường bị thu hẹp. Về trung và dài han, thì quy định này hướng tới việc đảm bảo các điều kiện cơ bản để thị trường phát triển ổn định, dựa trên các nguồn vốn bền vững chứ không khuyến khích thị trường phụ thuộc vào tín dụng, tránh những biến động tiêu cực không đáng có tác động tới TTCK từ yếu tố sử dụng vốn vay quá nhiều để đầu tư.
Những Công ty chứng khoán nào sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi thông tư này?
Với quy định mới thì những công ty chứng khoán đang sử dụng nhiều vốn vay ngân hàng (là các ngân hàng có tỷ lệ cho vay đầu tư và kinh doanh chứng khoán ở mức cao hơn quy định mới ban hành) để thực hiện các hoạt động tài chính sẽ là đối tượng chịu tác động ngắn hạn nhất là khi thị trường chứng khoán có xu hướng điều chỉnh giảm.
Bên cạnh đó, thì những CTCK được hỗ trợ vốn vay từ ngân hàng là công ty mẹ, hoặc công ty liên kết cũng sẽ bị hạn chế, do quy định của thông tư 36 cũng không cho phép các TCTD cho vay các công ty con, công ty liên kết nhằm múc đích sử dụng đầu tư kinh doanh cổ phiếu và cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu.
Độ trễ của thông tư này đối với thị trường chứng khoán (nếu có) ra sao?
Thông tư 36 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2015, nghĩa là thị trường còn hơn 3 tháng để có sự chuẩn bị, đây là khoảng thời gian để các thành viên thị trường cơ cấu lại hoạt động của mình phù hợp với quy định mới, cụ thể:
- Đối với các TCTD có tỷ lệ cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu ở mức cao hơn quy định, cần cơ cấu lại theo hướng giảm dần các khoản cho vay này, khuyến khích các TCTD nhỏ tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động.
- Đối với các CTCK muốn mở rộng hoạt động cho vay thì cần nâng cao năng lực tài chính của mình thông qua tăng vốn, tìm kiếm đối tác là các TCTD có năng lực tài chính cao và đảm bảo tỷ lệ an toàn để hợp tác phát triển dịch vụ, tiến tới giảm dần sự phụ thuộc vào dòng vốn vay.
- Đối với nhà đầu tư, thì cần nâng cao hiệu quả quản trị danh mục đầu tư của mình dựa trên các nguồn vốn bền vững, tránh phụ thuộc vào việc sự dụng quá nhiều vốn vay để đâu tư, gây ra các hậu quả tài chính lớn khi không kiểm soát được nguyên tắc an toàn trong đầu tư.
Anh có chia sẻ gì thêm cho nhà đầu tư về vấn đề này?
Tôi cho rằng quy định mới được ban hành đang hướng đến việc phát triển thị trường chứng khoán trong dài hạn, tạo sự ổn định của thị trường, tránh các hoạt động dưới chuẩn trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư chứng khoán.
Còn trong ngắn hạn, thì sự tác động của Thông tư 36 cũng chưa thực sự tác động trực tiếp đến dòng tiền trên thị trường, có chăng chỉ là những tác động ngắn hạn về mặt tâm lý, và quy định mới mang tính định hướng lại là dòng vốn tương lai đối với TTCK theo hướng ổn định và phát triển bền vững, với nền tảng đó thì nhà đầu tư sẽ có môi trường đầu tư lành mạnh, do đó, tôi cho rằng nhà đầu tư nên xem xét vấn đề dưới góc độ tích cực để có hành động đúng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư của mình, tránh những thiệt hại không đáng có do hiểu sai quy định mới.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Theo CafeF