Một khi xu hướng thị trường vẫn chưa thay đổi, thì việc nắm giữ cổ phiếu để tận dụng tốt cơ hội tăng giá của thị trường là hành động hợp lý.
Nhận định xu hướng thị trường sắp tới, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS) cho rằng, VN-Index vẫn tiếp tục biến động theo hướng tích lũy đi lên một cách thận trọng, biên dao động được kỳ vọng là 570 - 583 điểm, với cản mạnh dài hạn là SMA200 tại cận trên. Nếu vượt qua vùng kháng cự mạnh này, chỉ số có thể thiết lập kênh tăng trung hạn tiệm cận vùng 600 điểm.
Tuần qua, dòng tiền có sự dịch chuyển chọn lọc qua các nhóm blue-chip và midcap cơ bản tốt. Xu hướng dòng tiền tuần này thì sao, thưa ông?
NĐT có xu hướng khá bình tĩnh khi hiện tượng tăng nóng đồng loạt đã không xảy ra mà dòng tiền đã di chuyển khá chọn lọc, chủ yếu vào nhóm blue-chip và midcap có nền tảng cơ bản thực sự tốt hoặc có sự hỗ trợ của các tay chơi lớn, thông qua các “sóng” thoái vốn và mở room ngoại.
Qua quan sát, những cố phiếu nằm trong nhóm đầu ngành, lĩnh vực, có quy mô và thị phần tốt, duy trì được tốc độ tăng trưởng, chỉ số tài chính lành mạnh, EPS cao, trả cổ tức bằng tiền mặt hàng năm với tỷ lệ cao... là điểm đến ưa thích của dòng tiền đầu tư trong giai đoạn thị trường được xác định là khá khó khăn trong nửa đầu 2016.
Trong đó, hầu hết các cổ phiếu trong nhóm này như: BMP, CTD, SKG, LIX, DVP, KSB,VCS... đều đã thiết lập được xu hướng tăng vượt trên cả Index và thường điều chỉnh không đáng kể so với mặt bằng chung của thị trường.
Dòng tiền thời gian gần đây có xu hướng xoay vòng qua các lớp cổ phiếu, do đó sự phân hóa và lần lượt chạy theo từng dòng đang có xu hướng diễn ra khá rõ nét. Và sau những vòng này, về cơ bản, giá cổ phiếu sẽ thay nhau tạo lập một mặt bằng giá mới.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu vận tải và cảng biển tuần qua cũng có diễn biến tăng giá khá mạnh như SKG, VNS, DVP, HHG... nhờ tiếp tục được hưởng lợi bởi mặt bằng chi phí nguyên liệu thấp với nhóm vận tải và hưởng lợi từ FDI với nhóm cảng biển.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu cao su như DPR, PHR, TRC... bị bỏ quên trong thời gian qua đã bứt phá tăng giá trở lại nhờ tín hiệu lạc quan từ giá cao su thế giới.
Còn giao dịch của khối ngoại như thế nào, thưa ông?
Đây là điểm tựa lạc quan trong ngắn hạn khi mà NĐT nước ngoài có xu hướng mua ròng trở lại trong 12 phiên gần đây nhất. Tổng giá trị mua ròng là 737 tỷ đồng trên cả hai sàn.
Cần lưu ý rằng, bất kể sóng tăng điểm mạnh nào của VN-Index đều được hỗ trợ rất lớn từ dòng vốn ngoại kích hoạt và do đó đây là một trong những yếu tố nền tảng. Bên cạnh đó, tín hiệu lạc quan từ đà phục hồi của giá dầu thô và TTCK thế giới là một trong những thông tin hỗ trợ tích cực trong ngắn hạn.
Đối với hoạt động mua bán cho kỳ đảo danh mục của các quỹ ETF lần này, có thể có một vài phiên ảnh hưởng khi một số cổ phiếu trụ cột bị giảm tỷ trọng như VIC, MSN, HPG, VCB, STB… do đó có thể ảnh hưởng đến giao dịch thị trường ở một vài phiên mà các quỹ này giao dịch mạnh. Tuy nhiên, xu hướng thị trường ngắn hạn vẫn đang được củng cố bởi dòng tiền nội là chính.
Về mặt điểm số, ông có dự báo như thế nào trong ngắn hạn?
Đối với tuần này, tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng về chỉ số và lạc quan về cổ phiếu. Chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục biến động theo hướng tích lũy đi lên một cách thận trọng, biên dao động được kỳ vọng là 570 - 583 điểm, với cản mạnh dài hạn là SMA200 tại cận trên do đó vượt vùng này không hề đơn giản.
Nếu vượt qua vùng kháng cự mạnh này, chỉ số có thể thiết lập kênh tăng trung hạn tiệm cận vùng 600 điểm. Vùng 565 điểm hiện tại đóng vai trò là vùng hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn.
Thanh khoản vẫn chưa đủ lớn để nâng đỡ toàn bộ thị trường chung, mặc dù vậy vẫn sẽ có nhóm cổ phiếu tăng tốt hơn Index trong bối cảnh hiện tại.
Dòng tiền ngoại trừ việc chảy vào các cổ phiếu blue-chip giữ nhịp, một phần chọn lọc vẫn sẽ chảy mạnh vào midcap và penny có nền tảng cơ bản, và đây cũng là giai đoạn tạo cơ hội cho các NĐT lướt sóng chủ yếu nằm ở hai nhóm cổ phiếu này.
Vì thế, khuyến nghị chung của chúng tôi là NĐT tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt cao, và gia tăng mua vào ở những phiên giảm điểm. Một khi xu hướng thị trường vẫn chưa thay đổi, thì việc nắm giữ cổ phiếu để tận dụng tốt cơ hội tăng giá của thị trường là hành động hợp lý.
Khi thị trường chung toàn diện tăng giá hoặc giảm giá với thanh khoản lớn, thì chúng tôi sẽ nâng cấp các cảnh báo rủi ro để NĐT hạ tỷ trọng cổ phiếu chung trong danh mục.
Với yếu tố khó lường của thị trường, việc mua và nắm giữ một danh mục cổ phiếu có nền tảng cơ bản là ưu tiên số một trong năm nay.
Chúng tôi xin lưu ý NĐT các ngành trọng điểm cần quan tâm và theo dõi như nội dung chúng tôi đã trao đổi đầu năm như: cảng, vận tải và logistic, xây dựng và vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng thiết yếu, fược phẩm, hóa chất, dệt may, và nhóm hưởng lợi từ các câu chuyện như nới room, dòng vốn FDI, TPP...
Theo ĐTCK