Chỉ số VN-Index đã vượt qua được ngưỡng cản 620 điểm trong phiên giao dịch ngày 17/5, sau những diễn biến nhùng nhằng trước đó. Ông Dương Văn Chung, Giám đốc đầu tư, CTCK MB (MBS) cho rằng, VN-Index có thể vượt qua ngưỡng 660 điểm trong thời gian tới, với những trợ lực tích cực từ cả thị trường nội địa và thế giới.
Thị trường đã có những phiên điều chỉnh đan xen nhưng chỉ số VN-Index vẫn giữ vững xu hướng tích cực. Theo ông, xu hướng tăng trong ngắn hạn liệu có đang bị đe dọa?
Thị trường đang diễn ra khá sát các dự báo mà tôi đã đưa ra trước đây. Theo đó, VN-Index đã chạm ngưỡng +/- 620 vào đầu tháng 5 và giá dầu tăng lên mức trên 47 USD/thùng, cao nhất trong 6 tháng qua.
Tôi khá tự tin cho rằng, thị trường chuẩn bị bước vào một nhịp điều chỉnh ngắn hạn, sẽ gây khó chịu cho nhiều nhà đầu tư trong 2 - 3 tuần tới và VN-Index có thể giảm khoảng 30 điểm hoặc thậm chí hơn thế. Tuy nhiên, đây chỉ là nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Về trung và dài hạn, tôi dự báo VN-Index sẽ chạm vùng 660 điểm trong tháng 8 và vượt 660 điểm vào cuối năm nay.
Cụ thể, những yếu tố nào có thể thúc đẩy thị trường ở giai đoạn này, theo ông?
Ngưỡng +/- 620 điểm chỉ là rào cản trong ngắn hạn và thực tế, ngưỡng này đã bị phá vỡ trong phiên giao dịch ngày hôm qua (17/5). Theo tôi, có 2 nhóm động lực mới thúc đẩy dòng tiền vào thị trường.
Thứ nhất là từ nguồn lực trong nước. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP lớn hơn 6,5%, nhất thiết phải có các biện pháp nới lỏng tiền tệ, bởi việc tăng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng GDP là không khả thi do ngân sách eo hẹp. Khi các chính sách này chính thức được áp dụng, dòng tiền đổ vào thị trường có thể giúp VN-Index vượt qua ngưỡng 660 điểm.
Thứ hai là nhóm yếu tố ngoài nước. Từ đầu năm tới nay, tôi vẫn giữ quan điểm rằng, động lực thúc đẩy TTCK trong năm 2016 - 2017 chủ yếu là sự hồi phục của giá dầu và hàng loạt giá nguyên vật liệu khác trên thế giới. Quá trình này diễn ra giống giai đoạn cuối năm 2008, đầu năm 2009 nên tôi tin rằng, xu hướng tăng sẽ kéo dài trong 2 năm tới. Khi giá dầu vượt mức 60 USD/thùng, VN-Index sẽ vượt 660 điểm.
Bên cạnh đó, sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến tới thăm Việt Nam trong tháng 5 cũng tạo cho nhà đầu tư thêm sự lạc quan và kỳ vọng hứng khởi trong thời gian tới.
HSBC đã hạ dự báo tăng trưởng của thị trường Việt Nam từ mức “tích cực” xuống “trung bình”, với nhận định sự hồi phục gần đây của thị trường toàn cầu đã khiến thị trường Việt Nam mất đi sự hấp dẫn trong ngắn hạn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng HSBC đang đưa ra quan điểm đầu tư toàn cầu. Có thể hình dung đơn giản là TTCK Việt Nam giống như một mã penny trên bảng điện chứng khoán thế giới, nên việc đánh giá sự hấp dẫn của TTCK Việt Nam từ “tích cực” xuống “trung bình” không có nghĩa họ khuyến nghị bán ra, mà đơn thuần là có “mã chứng khoán của quốc gia khác” hấp dẫn hơn Việt Nam.
Trên góc độ đầu tư toàn cầu, tôi quan tâm đến xu thế của thị trường toàn cầu hơn. Với dự báo giá cả các nguyên vật liệu cơ bản trên thế giới đang tạo đáy dài hạn, tạo cơ sở hình thành xu hướng tăng dài hạn của TTCK toàn cầu. “Nước nổi thì thuyền sẽ nổi”, nếu TTCK thế giới bước vào uptrend dài hạn, "mã chứng khoán penny Việt Nam" cũng sẽ theo xu hướng này.
Việc giá dầu đang tăng và sắp chạm ngưỡng 50 USD/thùng có tạo động lực cho nhóm cổ phiếu dầu khí "bứt phá"?
Trả lời ĐTCK trước đây, tôi đã dự báo động lực để đưa VN-Index lên mức 620 điểm chính là giá dầu Brent sẽ tăng lên vùng 50 - 51 USD/thùng. Đến nay, giá dầu Brent đã chạm sát ngưỡng 50 – 51 USD/thùng.
Tôi dự báo báo giá dầu thế giới chuẩn bị có nhịp điều chỉnh khoảng 3 tuần, sau khi chạm ngưỡng này, việc giá dầu giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu dầu khí. Tuy nhiên, xu thế dài hạn, tôi cho rằng, giá dầu Brent sẽ lên vùng 60 – 65 USD/thùng vào cuối năm nay và sẽ là động lực đưa VN-Index vượt 660 điểm vào cuối năm.
Theo ĐTCK