Trong khi Chính phủ và cả nền kinh tế hào hứng với tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay vượt trên 6% và cao hơn so với cùng kỳ năm trước, thì TTCK lại chứng kiến đà giảm liên tục, với thanh khoản nhiều phiên giảm tới 60-70% so với cùng kỳ. Được mệnh danh là phong vũ biểu của nền kinh tế, chứng khoán Việt đi ngược với diễn biến vĩ mô, vì đâu?
Chứng khoán giảm là không thực
Trong khi nhiều TTCK khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... tăng điểm, thì TTCK Việt Nam lại trong xu hướng giảm dài với thanh khoản giảm đến mức báo động. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh TTCK VIệt Nam đang có định giá khá rẻ so với nhiều TTCK. Nếu như chỉ số PE của TTCK Nhật hiện 22,45 lần, của TTCK Thượng Hải là 19,66 lần, của Mỹ là 18,35 lần, thì tại sàn HOSE, PE bình quân chỉ có 12,27 lần, còn PE tại sàn Hà Nội chỉ có 11,1 lần.
Chưa kể đến điểm số, những tháng đầu năm 2014, thanh khoản trung bình trên TTCK đạt gần 5.000 tỷ đồng/phiên, thì hiện nay, giá trị giao dịch nhiều phiên chỉ còn từ 1.500 - 2.000 tỷ đồng, tính trên cả 2 sàn. Thanh khoản rơi sâu, thị trường ảm đạm, đặt nhà đầu tư và CTCK trong tình trạng gian khó. Trong khi nền kinh tế vĩ mô khởi sắc thì nhiều CTCK dự kiến sẽ phải báo lỗ trong quý I năm nay.
Bình luận về hiện trạng TTCK, bà Cao Thị Thúy Nga, Chủ tịch CTCK MBS cho rằng, thị trường giảm nhiều như hiện nay là không thực. Nhìn rộng ra, các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam và thế giới, sự chuyển động của quá trình hội nhập của Việt Nam, đều có diễn biến tích cực. Bản thân nhiều DN trên sàn hiệu quả kinh doanh vẫn vững, ngay cả khối DN ngành dầu khí, dù gặp cú sốc giảm giá dầu vừa qua, nhưng doanh thu, lợi nhuận năm 2014 ổn định, doanh thu quí 1 ảnh hưởng không nhiều, ảnh hưởng của Thông tư 36 đã phản ánh vào thị trường từ tháng 11 năm 2014.
Đó là những lý do Chủ tịch MBS tin rằng, TTCK sẽ sớm trở lại trạng thái cân bằng và dòng tiền sẽ vẫn tìm đến kênh chứng khoán, do các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản hay gửi tiết kiệm... đều kém hấp dẫn hơn.
Đà giảm của TTCK lần này, theo Chủ tịch MBS, rất khác so với diễn biến năm 2011. Nếu như năm 2011, nền kinh tế chìm trong khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến TTCK ảm đạm thì nay, chứng khoán phủ màu đỏ rực trong một nền kinh tế đang tăng trưởng và nó sẽ ảnh hưởng tới tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp đang đươ Chính phủ thúc đẩy tiến độ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong dịp trò chuyện với các đối tác của Báo Đầu tư cuối tháng 3 vừa qua đã nhận định, nền kinh tế Việt Nam năm nay đủ sức tăng trưởng ở mức 6,2-6,3%, thậm chí có thể vượt lên mức cao hơn, 6,5% và trở lại đà tăng trưởng cao của những năm trước khủng hoảng tài chính quốc tế, nếu không có biến cố bất thường.
Bộ trưởng chia sẻ thông điệp quyết tâm cải cách nền kinh tế, cải tạo môi trường đầu tư của Chính phủ để năm 2016, Việt Nam vượt lên, xếp hạng về môi trường đầu tư tốt ngang với 3 nước phát triển nhất khu vực là Singapore, Malaysia và Thái Lan. Điểm tựa cũng như tâm điểm của nỗ lực cải cách, theo Bộ trưởng, chính là các DN, đặc biệt là khối DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
Vậy tại sao sự khởi sắc của nền kinh tế, sự nỗ lực của Chính phủ, không được thể hiện tương đồng với diễn biến của TTCK? Khảo sát của ĐTCK với nhiều CTCK cho thấy, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp là Thông tư 36/2014/TT-NHN. Khó khăn ngày càng ngấm sâu vào TTCK, khi dòng tiền từ các ngân hàng bị khống chế quá chặt (từ mức được cho vay tối đa 20% vốn điều lệ, xuống còn 5% vốn điều lệ với đầu tư cổ phiếu). Các ngân hàng buộc phải thu hồi tiền đã cho vay mua cổ phiếu, đồng thời không thể thực hiện các khoản cho vay mới.
Trên cương vị Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán (VASB), ông Phan Quốc Huỳnh cho rằng, dòng tiền từ ngân hàng vào CTCK bị chặt lại, trong khi bản thân CTCK đang phải chịu nhiều ràng buộc, đặc biệt là không được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân khác, chỉ được vay vốn từ ngân hàng với mức vay không quá 3 lần vốn điều lệ, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự suy giảm của dòng chảy vốn trên TTCK. Thanh khoản chứng khoán, vì thế giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư, nhiều CTCK rơi vào khó khăn.
“Với quy mô vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng, mỗi ngày TTCK giảm 1% là toàn thị trường, hay cụ thể hơn là tài sản của nhà đầu tư, cổ đông mất đi cả nghìn tỷ đồng”, ông Huỳnh nói.
Vì sao các ngân hàng thừa tiền, ứ đọng vốn mà lại bị co hẹp không gian cho vay đầu tư cổ phiếu, trong khi đây là lĩnh vực cho vay tiềm năng, các CTCK đã có công cụ kiểm soát và thu hồi vốn tốt hơn thời kỳ trước rất nhiều và TTCK đang rất cần sôi động để tạo đà cho tiến trình cổ phần hóa năm 2015? Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan ban hành Thông tư 36, đã giải thích nhiều lần, nhưng góc nhìn từ lãnh đạo nhiều CTCK hiện vẫn chờ đợi Chính phủ - với cái nhìn bao quát toàn bộ nền kinh tế, đứng trên Bộ Tài chính và NHNN, sẽ có quan điểm chuẩn hơn trong việc điều tiết các nguồn lực trong nền kinh tế, để đạt các mục tiêu kinh tế lớn của năm.
Phó chủ tịch VASB nhắc lại chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đến với TTCK đầu năm Ất Mùi: phải cởi trói chính sách, tạo thuận lợi cho DN và TTCK phát triển. Chính sách nào chưa hợp lý, phải điều chỉnh cho hợp lý. “Áp lực hội nhập nền kinh tế, trong đó có thị trường tài chính đang đến rất gần, nếu không điều chỉnh chính sách theo kịp nhu cầu thị trường, chúng ta sẽ thua sớm”, ông Huỳnh nói.
Ảnh hưởng của Thông tư 36, theo nhiều CTCK đã trực tiếp khiến thanh khoản TTCK sụt giảm. Tuy nhiên, khi thanh khoản sụt giảm quá đà đến 60-70%, còn vì nhiều nguyên nhân khác. Ngoài những khó khăn nền kinh tế vẫn phải đối mặt, thì không ít nhà đầu tư đã dần xa rời TTCK khi nhận thấy rất khó phân biệt DN tốt/xấu, có DN truyền thông quá đà để huy động vốn tràn lan, sử dụng không rõ mục đích; nhiều DN biến tướng lợi nhuận từ lỗ sang lãi, từ cá nhân sang pháp nhân và ngược lại, hay gần đây, DN lớn như GAS, PVD... công bố mua cổ phiếu quỹ nhưng thực hiện không đáng kể. Khi khả năng giám sát và chế tài với các hiện tượng tiêu cực trên TTCK không đủ mạnh, cũng sẽ làm niềm tin nhà đầu tư bị xói mòn.
Ngành chứng khoán cần tự cởi trói cho chính mình
Cùng với việc UBCK, Bộ Tài chính cần hoàn thiện pháp lý để chặn những hiện tượng tiêu cực trên TTCK, thì không gian kinh doanh của ngành cần phải mở rộng hơn, để các DN và nhà đầu tư được tự chủ trong kinh doanh, tự tìm cơ hội sống cho chính mình.
Chẳng hạn, quy định về giao dịch ký quỹ. Nhiều CTCK cho rằng, quy định này đã lỗi thời khi UBCK buộc các Sở soát xét danh mục cổ phiếu cho vay ký quỹ theo thông tin quá khứ và 3 tháng soát xét một lần, trong khi đầu tư chứng khoán là đầu tư vào kỳ vọng và CTCK tiếp cận DN niêm yết trực tiếp, cập nhật hơn UBCK rất nhiều. Hơn thế, tỷ lệ bó buộc CTCK chỉ được cho vay ký quỹ tối đa 50% giá trị khoản đầu tư là không phù hợp và can thiệp quá sâu vào nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh của các DN. Quy định này cần được nới lỏng hơn, theo hướng tốt nhất UBCK chỉ đưa ra nguyên tắc chung để quản lý giao dịch ký quỹ, còn cho vay mã nào, tỷ lệ bao nhiêu, nên để CTCK và nhà đầu tư tự thỏa thuận, quyết định.
Điểm thứ hai nên nới rộng không gian tìm vốn mới của CTCK từ các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Với quy định hiện hành (Thông tư 210/2012/TT-BTC), CTCK chỉ được vay tối đa 3 lần vốn điều lệ và chỉ được vay từ các ngân hàng, khiến nhiều CTCK không thể xoay sở được nguồn tiền mới, đủ đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư. Điểm này cần sửa đổi, theo hướng giảm bớt can thiệp hành chính, tăng quyền tự quyết cho CTCK, cho thị trường. UBCK, Bộ Tài chính cần đưa ra những nguyên tắc quản lý, giám sát hoạt động của các thành viên thị trường để giữ trật tự và an toàn hệ thống, nhưng không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động tài chính của mỗi chủ thể. Đây là khuyến cáo cũng là mong đợi chung của các CTCK trên thị trường.
Việc nới rộng không gian tìm vốn cho CTCK càng trở nên cần thiết hơn khi dòng tín dụng chảy vào TTCK bị hạn chế theo Thông tư 36. Trong khi chờ đợi NHNN thay đổi quan điểm và chờ Chính phủ thấu hiểu hiện trạng TTCK để chỉ đạo hướng sửa đổi Thông tư 36 (nếu có), thì tự thân ngành chứng khoán cần tự cởi trói cho chính mình.
Hy vọng, sự vận động của nội ngành và những quyết sách mới từ Chính phủ sẽ giúp TTCK sớm tăng trưởng trở lại, không trái ngược với diễn biến chung của nền kinh tế.
Theo ĐTCK