Quay lại

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng gần 40 năm, đất nước ta đang hồi sinh và phát triển trên nhiều lĩnh vực của đời sống, chính trị, kinh tế, xã hội... Nhưng đến hôm nay, vẫn có những bậc làm cha, làm mẹ vô tình bị phơi nhiễm chất độc da cam mà sinh ra những người con dị dạng. Nỗi đau ấy chưa biết đến bao giờ mới nguôi ngoai! Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng nhiều loại vũ khí hiện đại, nhưng hiểm độc nhất là dùng các chất hóa học, với tên gọi là chất khai hoang, diệt cỏ. Theo số liệu thống kê thì quân đội Mỹ đã sử dụng trong 10 năm (1961- 1971) khoảng 80 triệu lít chất khai hoang (hơn một nửa là chất da cam) chứa khoảng 366 kg dioxin. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ cần bỏ 80 gram dioxin vào hệ thống cung cấp nước thì có thể tiêu diệt cả một thành phố với 8 triệu dân.

Quảng Trị là một trong những địa bàn gánh chịu nhiều đau thương mất mát nhất do hậu quả chiến tranh để lại. Theo thống kê của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh có 8.208 hộ có người nhiễm chất độc da cam/dioxin, với 15.845 nạn nhân, trong đó hộ có 2 nạn nhân trở lên là 4.965 hộ. Trong 15.485 nạn nhân mới chỉ có 2.795 người tham gia kháng chiến hưởng được chế độ chất độc da cam, số còn lại mới chỉ được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng rất ít ỏi như những người khuyết tật, bệnh tật khác, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu, do vậy cuộc sống của họ còn đang gặp vô vàn khó khăn, cần lắm sự chung tay, góp sức của xã hội.

Thực tế trong cuộc sống, những gia đình nạn nhân chất độc da cam là những hộ nghèo khổ nhất, kinh tế kiệt quệ do không có người còn khả năng lao động và không đủ tiền để lo thuốc thang cho nạn nhân. Chiến tranh đã qua nhưng nỗi đau da cam có lẽ còn rất lâu nữa mới có thể lành. Ở đâu đó, trong những ngôi nhà nhỏ, trong xóm làng bình yên, đêm đêm vẫn vang lên tiếng gào thét xé lòng, nhói tâm can của những người mẹ, người cha khô cạn nước mắt vì con, vẫn còn rất nhiều nạn nhân cần có sự yêu thương, chia sẻ của toàn xã hội.

Thật khó cầm được nước mắt trước hoàn cảnh gia đình ông Nguyễn Văn Hồng (SN 1925) cha mẹ già gần 90 tuổi, đau ốm liên miên, người mẹ mù lòa cả 2 mắt mà vẫn phải thường xuyên canh cánh lo lắng cho đứa con trai bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ và khốc liệt, người cha ấy đã cống hiến tuổi trẻ, tham gia chiến đấu vì mảnh đất quê hương, đồng thời hứng chịu sự nghiệt ngã của số phận khi bị nhiễm trong mình chất độc da cam. Trong mắt người cha, người mẹ ấy, đứa con dẫu hơn 40 tuổi (SN 1970) vẫn chỉ là một cậu bé non nớt, không thể thiếu bàn tay chăm sóc của đấng sinh thành.

     
Không chỉ cảm thương mà còn phải khâm phục đức hy sinh và nghĩa tình của người mẹ Trần Thị Cúc (SN 1953). Do không thể tự mình sinh con, gia đình không được hạnh phúc, chồng đã bỏ đi lấy vợ khác, cô Cúc đã xin một cháu bé mới sinh về làm con nuôi. Éo le thay, cháu bé ấy lại hứng chịu di chứng của chất độc da cam tàn ác. Nhưng người mẹ ấy, dù khó khăn cùng cực cũng nhất quyết không từ bỏ mà dành hết tuổi trẻ và tình thương yêu để chăm sóc cho đứa con gái nuôi suốt 20 năm qua.

Những hoàn cảnh như ông Hồng, cô Cúc mới chỉ là phần nhỏ trong số những người cha người mẹ đang cùng con trẻ đau nỗi đau mang màu da cam. Mỗi người có mỗi cách khác nhau để chịu đựng, để vươn lên, để sống, để con trẻ được làm người. Ngoài nghị lực của mỗi gia đình, sự cảm thông, giúp đỡ của cộng đồng sẽ là nguồn động viên giúp các gia đình nạn nhân chất độc da cam có thêm nghị lực để vượt qua nỗi đau sẽ theo họ đến hết cuộc đời.

Hưởng ứng các cuộc vận động của UBTƯMTTQ Việt Nam, của Trung ương Hội: “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” và lời kêu gọi “Vì nỗi đau da cam Quảng Trị” với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, năm Đoàn Thanh Niên MBS phối hợp với Quỹ Trái tim MBS chính thức phát động quyên góp từ thiện ủng hộ các gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa bàn hai huyện Gio Linh và Cam Lộ tỉnh Quảng Trị. Chương trình dự kiến tổ chức vào 2 ngày 28 và 29/9/2013 (thứ bảy, chủ nhật), bao gồm:

1. Tặng quà cho 15 gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam tại huyện Cam Lộ và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

2. Dâng hương và viếng tại Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị.


Chúng tôi rất mong các bạn Đoàn viên, Thanh niên và các tấm lòng hảo tâm cùng chia sẻ nỗi khó khăn của các nạn nhân chất độc da cam chiến tranh. Quà ủng hộ từ thiện có thể là tiền mặt, quần áo cũ (mùa hè và mùa đông cho người lớn), lương thực (gạo, mỳ tôm).

Mọi quyên góp bằng tiền xin vui lòng gửi về:

Quỹ trái tim MBS, tài khoản do Bùi Thanh Nga đứng tên

Số tài khoản: 00901 0273 8003 tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)


Quà từ thiện bằng hiện vật xin vui lòng chuyển trực tiếp cho:                  

Bùi Thanh Nga - Di động: 098 316 7577, máy lẻ: 2200, hoặc

Nguyễn Thị Thu Hà - Di động: 097 719 1909, máy lẻ: 2211

Phòng Truyền thông MBS - Tầng 7, tòa nhà MB, số 3 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội


Hãy cùng MBS nới rộng vòng tay chia sẻ
.

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang